Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Nhiều thủ đoạn buôn lậu xăng dầu trên biển

Biên phòng - Hoạt động buôn lậu xăng dầu trên vùng biển phía Nam thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc bị các lực lượng chức năng bắt giữ với số lượng lớn. Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu xăng dầu trên biển đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

w5nt_18a
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tàu TG 93518TS, vận chuyển 30.000 lít dầu DO lậu. Ảnh: Lê Đồng

Trong số hàng loạt vụ buôn lậu xăng dầu bị lực lượng BĐBP phát hiện, bắt giữ thời gian gần đây, phần lớn xăng dầu nhập lậu đều được các đối tượng mua lại từ các tàu trên các vùng biển giáp ranh. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, “biến hóa” để vận chuyển dầu lậu về Việt Nam nhằm thu lợi bất chính. Cụ thể: Thực hiện kế hoạch đấu tranh Chuyên án A3-1119, vào hồi 18 giờ 15 phút, ngày 5-12-2019, tại vùng biển Tây Nam Côn Đảo, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với BĐBP thành phố Hồ Chí Minh mật phục, tạm giữ phương tiện BTr 99900TS, do ông Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1978, trú tại xã Tân Điền, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng, đang vận chuyển 100 khối dầu DO (tương đương 100.000 lít). Tại thời điểm kiểm tra, ông Tâm không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số dầu trên, trên phương tiện có 5 thuyền viên đều không có giấy tờ tùy thân, chứng chỉ hành nghề, về phương tiện cũng không có giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Trước đó, thực hiện Kế hoạch đấu tranh Chuyên án 030A, vào hồi 21 giờ, ngày 16-10-2019, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Tiền Giang và Đồn Biên phòng Kiểng Phước mật phục gần khu vực phao số 0, thuộc luồng hàng hải Soài Rạp, đoạn chảy qua thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, phát hiện phương tiện TG 93518TS, do ông Trần Văn Vũ điều khiển, đang vận chuyển 30.000 lít dầu DO, trên phương tiện có 2 thuyền viên. Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Văn Vũ không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu nói trên. Theo lời khai của ông Trần Văn Vũ, số dầu trên được ông mua của các tàu dầu trên vùng biển giáp ranh mang về sử dụng cho các phương tiện của gia đình.

“Trên thực tế, để làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu xăng dầu trên biển, các địa phương và cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các loại phương tiện tàu cá của ngư dân sửa chữa, hoán cải thành phương tiện sử dụng mua bán xăng dầu trái phép, nhất là trên vùng biển phía Nam. Tàu cá nào tái phạm cần phải có chế tài xử lý mạnh, như tước giấy phép khai thác thủy sản có thời hạn hoặc không cho xuất bến” – Trung tá Vũ Xuân Đại khẳng định.

Theo lực lượng chức năng, các tàu chở dầu lậu này nhìn bề ngoài rất giống các tàu thu mua hải sản, các đối tượng trang bị đầy đủ các dụng cụ hành nghề thu mua hải sản nhằm che mắt lực lượng chức năng, nhưng thực chất, các tàu này lại buôn bán dầu lậu. Đặc biệt, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, thuyền trưởng và các thuyền viên đều chối tội, khai không đúng sự thật. Khi được hỏi nguồn gốc số dầu trên lấy từ đâu, hầu hết các thuyền trưởng đều khai báo rằng, do mới ra nhận tàu thay cho người khác nên không biết chủ tàu, chỉ biết chủ tàu liên lạc qua máy bộ đàm Icom, nhưng kênh, tần số liên lạc của máy bộ đàm Icom thì liên tục thay đổi. 

Được biết, các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển thường thông qua các đối tượng trung gian để liên lạc. Sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì lập tức đầu mối bên kia cắt liên lạc, nên rất khó lần tìm ông chủ thực sự của những tàu chở dầu lậu này. Mọi hoạt động đều do ông chủ trong đất liền lo kết nối, hẹn tọa độ, các thuyền viên chỉ có trách nhiệm nhận dầu và bán lại ngay trên biển cho các tàu cá.

Trung tá Vũ Xuân Đại, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Để phát hiện dấu hiệu vi phạm và bắt quả tang việc sang mạn trái phép xăng dầu trên biển không hề dễ dàng, bởi các tàu này thường neo đậu ngoài khơi, trốn tránh sự tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên biển. Chưa kể, khi bị bắt giữ, các tàu này đều chây ỳ, để đấu tranh và giải quyết theo đúng các thủ tục pháp lý là cả một quá trình kỳ công. Vì vậy, đơn vị đã triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển xăng dầu trên biển. Qua đó, rà soát, xác minh, điều tra, làm rõ địa bàn trọng điểm, đối tượng chủ chốt, đồng thời, tổ chức lực lượng đấu tranh, ngăn chặn. Kết quả, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã đấu tranh thành công 2 chuyên án, thu giữ tang vật 626.818 lít dầu DO, 320.000 lít xăng Ron A95”.  

a45q_18b
Tàu BTr 99900TS vận chuyển 100 khối dầu DO lậu bị Đoàn Đặc nhệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP bắt giữ ngày 5-12-2019. Ảnh: Lê Đồng

Được biết, các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển thường vận chuyển số lượng lớn và luôn có sự cảnh giác cao, trang bị các khí tài quan sát, dụng cụ nghe nhìn từ xa để phát hiện lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, những đầu nậu ở trong đất liền thường ra các vùng biển giáp ranh mua xăng dầu của các tàu nước ngoài, ngụy trang phương tiện giống các tàu đánh cá trên biển để vận chuyển vào đất liền tiêu thụ. 

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng còn sử dụng tàu không mang số hiệu, hoặc số hiệu giả để giao dịch, mua bán xăng dầu, thuê phương tiện vận chuyển xăng dầu trái phép hoặc sử dụng hóa đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xăng dầu. Nếu bị bắt giữ, thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu thường trả lời vòng vo và khai nhận chỉ biết mua xăng dầu từ một tàu nước ngoài nhằm chối tội.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO