Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Nhiều thủ đoạn buôn lậu trên tuyến biên giới Bình Phước

Biên phòng - So với tuyến biên giới Tây Nam, khu vực biên giới tỉnh Bình Phước không quá phức tạp về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các mặt hàng như thuốc lá, phế liệu, lâm sản, pháo nổ... vẫn âm thầm “thẩm thấu” trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước.

gmu9_7a
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Bù Đốp, BĐBP Bình Phước kiểm đếm tang vật mà đơn vị thu giữ. Ảnh: Lê Đồng

Với nhiều đường mòn, lối tắt trên khu vực biên giới 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách để “tuồn” hàng lậu từ biên giới vào nội địa tiêu thụ. Các đối tượng thường chọn thời điểm vào những ngày nghỉ hay khi màn đêm buông xuống, từng toán người thoắt ẩn, thoắt hiện nhanh chóng đai vác hàng lậu vượt biên giới rồi đưa lên xe máy luồn lách qua những cánh rừng tràm, lô cao su rồi biến mất trong màn đêm. 

Để vận chuyển trót lọt hàng lậu qua biên giới, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn kín kẽ, chúng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động. Đa số các đối tượng lợi dụng địa hình biên giới bên dòng sông Măng, ngầm Minh Đen, ngầm Sáu Hài thuộc xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp và các khu vực đường ngang, lối tắt hai bên cánh gà khu vực cửa khẩu Hoàng Diệu và hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Hoa Lư để đưa hàng lậu qua biên giới. Tùy theo địa hình, các đối tượng vào sâu trong nội địa Campuchia để mua hàng hóa, sau đó tập kết về một số điểm sát biên giới, chờ thời cơ thuận lợi, móc nối với các đối tượng trong nội địa để nhanh chóng vận chuyển qua biên giới. 

Tinh vi hơn, chúng không hoạt động ồ ạt như trước mà chia hàng nhỏ, lẻ để đưa hàng “vượt biên”, khi bị bắt giữ thì số lượng hàng hóa ít không đủ để khởi tố. Để che đậy hành vi phạm pháp, các đối tượng còn ngụy trang, cất giấu hàng lậu vào trong vườn điều, lô cao su gần biên giới, chờ thời điểm thích hợp rồi “tuồn” sâu vào trong nội địa. Hoạt động này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh và xử lý. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu thường thuê người cảnh giới lực lượng chức năng và thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết, phương tiện giao nhận hàng. 

Trước tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép trên khu vực biên giới tỉnh Bình Phước diễn ra ngày càng khó lường, các đơn vị BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ để từng bước ngăn chặn hàng lậu “thẩm thấu” qua biên giới. Theo báo cáo của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Bình Phước, trong 6 tháng đầu năm 2019, BĐBP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 96 vụ/60 đối tượng. Tang vật thu giữ 9.840 gói thuốc lá ngoại nhập lậu, 63,368m3 gỗ các loại, 5 tấn xoài, 7kg hạt ươi, 116 mặt hàng bánh kẹo, phụ tùng xe máy, 5,7 tấn phế liệu, 239,4kg pháo nổ. Ngoài ra, đơn vị tạm giữ 7 xe ô tô, 7 xe mô tô là phương tiện vận chuyển hàng lậu.

Trung tá Hoàng Hữu Chỉnh, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Bình Phước cho biết: Trước đây, hàng lậu thường được các đối tượng chia nhỏ, trà trộn, cất giấu vào trong hành lý hoặc trong hàng hóa khác để vận chuyển, hòng che mắt lực lượng kiểm tra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu dùng xe máy được cải hoán để vận chuyển, sau đó đưa lên ô tô vận chuyển vào sâu trong nội địa tiêu thụ. 

Để kiềm chế, kéo giảm hoạt động buôn lậu qua biên giới, thời gian tới, BĐBP Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới trong phòng chống hoạt động buôn lậu, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, tăng cường tố giác tội buôn lậu. Ngoài ra, BĐBP Bình Phước tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng chống buôn lậu đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Cùng với đó, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi tiếp tay cho buôn lậu.

Thực tế cho thấy, các đối tượng tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới phần lớn là những người không có công ăn việc làm ổn định, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Do đó, muốn hạn chế tình trạng buôn lậu, bên cạnh các giải pháp bền vững, đòi hỏi các ngành, các cấp cần tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng biên giới, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập ổn định đời sống cho người dân.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO