Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 01:47 GMT+7

Nhiều thách thức trong đấu tranh với tội phạm ma túy

Biên phòng - Không chỉ manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” để chống trả lực lượng chức năng, tội phạm ma túy cũng đang lợi dụng công nghệ cao để phục vụ cho hoạt động buôn bán, vận chuyển “cái chết trắng”. Điều đó đang đặt ra cho BĐBP và lực lượng chức năng rất nhiều thách thức trong công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.

Ngày 22-5-2022, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng Phan Văn Hoàng (sinh năm 1975, trú tại Thạch Mỹ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) vận chuyển 300g heroin qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), được ngụy trang trong hàng nông sản. Ảnh: Minh Toàn

Những năm qua, hoạt động của tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở nước ta tiếp tục diễn ra phức tạp, khó lường. Tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy có nhiều đối tượng ở các quốc gia khác nhau với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh.

Theo quy luật trước đây, tội phạm thường tìm mọi cách vận chuyển số lượng lớn ma túy từ “Tam giác vàng” về tập kết ở khu vực rừng núi biên giới của Lào (tiếp giáp với Việt Nam), rồi tìm cơ hội thẩm lậu vào nước ta và đi các nước thứ 3 tiêu thụ. Để đạt được mục đích, chủ đầu nậu ma túy chỉ đạo các “chân rết” của mình lôi kéo, mua chuộc người dân hai bên biên giới tham gia vào quá trình vận chuyển ma túy qua biên giới.

Trong khi đó, do cuộc sống khó khăn, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế và được trả tiền công cao, nhiều người dân đã biến mình thành một trong những “mắt xích” của các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Đáng lo ngại là các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy không những trả công cao, mà còn trang bị vũ khí “nóng” cho đối tượng vận chuyển ma túy để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, các lực lượng chức năng của nước ta, trong đó có BĐBP đã triển khai đồng bộ các biện pháp để đấu tranh ngăn chặn. Dù phải đối diện với muôn vàn nguy hiểm, hy sinh, nhưng với quyết tâm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, BĐBP cùng các lực lượng có liên quan đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, triệt xóa các đường dây tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng BĐBP đã bắt 2.584 vụ/5.147 đối tượng liên quan đến ma túy, thu giữ 449,376kg ma túy các loại (trong đó đã đấu tranh thành công 17 chuyên án lớn về ma túy). Điển hình, vào ngày 23-5-2022, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp với Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Trị và Phòng PC04, Công an tỉnh Quảng Trị đã đấu tranh thành công Chuyên án A2-322, bắt giữ đối tượng Trần Hoàng Minh Nhật, sinh năm 1997, trú tại 6/30 khu tập thể Xã Tắc, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế về hành vi vận chuyển 19.000 viên ma túy tổng hợp.

Những năm gần đây, tội phạm ma túy xuyên quốc gia thường sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram để liên lạc, điều hành hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy. Thay vì những cuộc gặp gỡ trực tiếp, thông qua mạng xã hội, các đối tượng đã trao đổi, thống nhất được thời gian, địa điểm, phương thức “giao dịch” ma túy.

Qua thực tế công tác đấu tranh với tội phạm ma túy của lực lượng chức năng cho thấy, có nhiều vụ án mà ma túy được vận chuyển xuyên biên giới thông qua dịch vụ chuyển hàng quốc tế. Tội phạm ngụy trang ma túy tinh vi thành các gói bưu phẩm, hàng hóa để ký gửi theo các dịch vụ vận chuyển hàng hoặc theo các hãng xe khách hoạt động xuyên quốc gia. Tiền giao dịch trong các vụ mua, bán chất ma túy cũng được thực hiện qua hệ thống ngân hàng quốc tế.

Không chỉ hoạt động buôn bán ma túy xuyên quốc gia, các nhóm, đối tượng buôn bán lẻ các chất ma túy trong nước cũng lập các trang, nhóm kín trên mạng xã hội. Chúng đăng thông tin quảng cáo mua bán chất ma túy bằng tên các loại thuốc nhằm tránh sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử.

Các chất ma túy được rao bán phổ biến nhất trên các trang mạng xã hội như cần sa, “cỏ Mỹ”, “bóng cười”, “rượu 138” (rượu ngâm cành, quả tươi cây thuốc phiện). Khi có người liên hệ thông qua hệ thống tin nhắn trên các trang này, các đối tượng sẽ không trực tiếp trả lời các nội dung liên quan đến việc giao dịch để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Thay vào đó, chúng sẽ yêu cầu người mua liên hệ qua ứng dụng mạng xã hội khác.

Sau khi đã thống nhất, các đối tượng không giao dịch trực tiếp để tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, bắt quả tang mà chuyển hàng đến cho người mua bằng hình thức đóng gói, ngụy trang dưới dạng thực phẩm, hàng lưu niệm rồi dán kín, chuyển hàng bằng các dịch vụ vận chuyển phát hàng hóa.

Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An, người chỉ đạo đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án về ma túy cho biết: “Tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong đó, chúng triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để điều hành hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy khiến cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, lực lượng thực hiện nhiệm vụ, nhất là BĐBP đang thiếu các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Chính vì vậy mà kết quả đấu tranh, ngăn chặn vẫn còn hạn chế so với thực tế hoạt động của tội phạm ma túy”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO