Biên phòng - Bức tranh đa dạng sinh học của Việt Nam ngày càng ảm đạm, nhiều quần thể quý hiếm bị suy giảm trầm trọng: Tê giác bị công bố tuyệt chủng từ năm 2010, hổ còn không quá 5 cá thể, voi hoang dã dưới 100 cá thể, 16 trong tổng số 25 loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy cấp...
Sáng 3/6, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức chương trình tập huấn Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) và những nỗ lực cứu hộ cho các nhà báo.
Theo thông tin tại lớp tập huấn, là thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm (CITES) từ năm 1994, Việt Nam đã ban hành nhiều công cụ pháp lý nhằm luật hóa cam kết này và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan đến buôn bán ĐVHD.
Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo báo cáo công tác xử lý tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), số lượng các vụ án hình sự về ĐVHD trong 5 năm gần đây có chiều hướng gia tăng.
Năm 2017 số vụ án hình sự về ĐVHD là 94 vụ với 134 đối tượng bị bắt giữ thì năm 2021 con số này là 161 vụ với 251 đối tượng. Sự gia tăng này có thể là biểu hiện của tính hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, tuy nhiên nó cũng cho thấy rằng tình trạng buôn bán ĐVHD vẫn còn nghiêm trọng.
Cùng với sự gia tăng các vụ án về ĐVHD là sự gia tăng các loài ĐVHD bị thu giữ và theo đó là các nỗ lực cứu hộ, bảo tồn. Đơn cử, thống kê 3 năm gần đây của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội cho thấy, số lượng ĐVHD được cứu hộ đã tăng nhanh chóng, chủ yếu từ các vụ bắt giữ vi phạm.
Theo đó, năm 2020 số vụ cứu hộ là 119 vụ, tương đương với 537 cá thể tiếp nhận giải cứu, thì đến năm 2022 con số này đã tăng lên thành 142 vụ với 1.242 cá thể được cứu hộ. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, gây nên tình trạng quá tải thường xuyên ở Trung tâm cứu hộ.
Một thông tin khác đáng chú ý là sự suy giảm đa dạng sinh học.
Theo PanNature, sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu sử dụng ĐVHD trong và ngoài nước khiến bức tranh đa dạng sinh học của Việt Nam ngày càng ảm đạm, nhiều quần thể quý hiếm bị suy giảm trầm trọng: Tê giác bị công bố tuyệt chủng từ năm 2010, hổ còn không quá 5 cá thể, voi hoang dã dưới 100 cá thể, 16 trong tổng số 25 loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy cấp. Hàng trăm cá thể gấu đang bị nuôi nhốt lấy mật và rất nhiều loài ĐVHĐ quý hiếm khác đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán ĐVHD trái phép.
Nhằm chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã và đấu tranh với nạn khai thác, buôn bán động vật hoang dã, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức chương trình Hội thảo tập huấn “Buôn bán ĐVHD và những nỗ lực cứu hộ” cho các phóng viên thường trú tại Hà Nội và các tỉnh lân cận với mục tiêu:
Chia sẻ thông tin và tạo cơ hội để các phóng viên trẻ tiếp cận với đề tài khai thác và buôn bán, bảo tồn động vật hoang dã; mở rộng mạng lưới nhà báo quan tâm và viết về chủ đề buôn bán, bảo tồn động vật hoang dã.
Tại hội thảo, các phóng viên được cung cấp thông liên quan đến ĐVHD; tác động của suy giảm và tuyệt chủng ĐHVD từ khía cạnh sinh thái học; tình trạng buôn bán ĐVHD ở Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong thị trường ĐVHD khu vực và thế giới; các khó khăn trong phòng chống buôn bán ĐVHD; vai trò của báo chí trong phòng chống buôn bán ĐVHD.
Các nhà báo cũng chia sẻ kinh nghiệm khai thác đề tài và thâm nhập điều tra buôn bán ĐVHD.
Bích Nguyên