Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 01:05 GMT+7

Nhiều nỗ lực trong ngăn chặn vi phạm IUU

Biên phòng - Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng tại Kiên Giang vẫn còn xảy ra các vụ vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC). 

Cán bộ BĐBP Kiên Giang tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: P. Vy

Ghi nhận tại trọng điểm của cả nước

Kiên Giang có bờ biển dài 200km và vùng biển rộng 63.000km2, trong đó có 16.000km2 là vùng nước lịch sử với Campuchia. Do có ngư trường rộng lớn, giàu tôm cá nên từ lâu, nghề khai thác hải sản ở Kiên Giang phát triển mạnh, đa dạng với gần 20 loại nghề, trong đó có 2 nghề chiếm tỷ lệ lớn là lưới kéo và lưới rê. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm của Kiên Giang chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước và trên 40% tổng sản lượng khai thác của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì lẽ đó nên năm 2019, Kiên Giang là địa phương được EC chọn làm đại diện cho cả nước để kiểm tra việc chống vi phạm IUU.

Kiên Giang hiện có 9.500 chiếc tàu khai thác hải sản, trong đó, gần 4.000 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên. Ngư trường hoạt động truyền thống của tàu cá Kiên Giang là vùng biển Tây. Trong những năm gần đây, do phát triển nhiều tàu lớn và sản lượng khai thác giảm sút, nên một số tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã chuyển sang ngư trường Biển Đông và vùng giáp ranh với các nước trong khu vực... Gần đây, do lợi nhuận, cộng với sức ép kinh tế, vốn vay thuê, khoán tàu... nên một số chủ tàu cá của tỉnh Kiên Giang đã cố tình vượt sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang cho biết, với quyết tâm cùng các lực lượng chức năng nỗ lực ngăn chặn vi phạm IUU, từ cuối năm 2017, BĐBP Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch, phân công, chỉ đạo các đồn, đơn vị Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào hoạt động trên biển, nhất là tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Các đồn, trạm Biên phòng khi làm thủ tục cho tàu cá ra, vào cửa sông, cửa biển đều kết hợp tuyên truyền, phổ biến cho các chủ tàu, thuyền trưởng nắm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, cam kết không vi phạm IUU. Từ đầu năm 2020 đến nay, BĐBP Kiên Giang đã tham mưu cho chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho 7.000 lượt tàu với 43.658 ngư dân về chấp hành các quy định khi đánh bắt trên biển. Sau khi được phổ biến, tuyên truyền, đã có hơn 3.664 lượt thuyền trưởng cam kết không vi phạm IUU.

Cùng với đó, các đơn vị Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quân Vùng 5; Cảnh sát Biển Vùng 4; Cục Kiểm ngư; Hải đoàn 28 BĐBP và Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang... tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ về việc ngăn chặn vi phạm IUU. Trong năm 2020, BĐBP Kiên Giang cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức 4 đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra 215 phương tiện trên biển, xử phạt vi phạm hành chính 136 phương tiện. Kịp thời ngăn chặn, xua đuổi 36 lượt với 186 phương tiện và 583 ngư dân Campuchia vi phạm vùng nội thủy Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép. BĐBP Kiên Giang phối hợp với Công an điều tra, xử lý 3 nhóm đối tượng có hành vi môi giới móc nối, đưa người, phương tiện sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép; chuộc tàu cá và ngư dân về nước trái pháp luật.

Phấn đấu 100% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình

Tính đến ngày 31-7-2020, nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, cơ quan chức năng, tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.454/3.862 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 585/604 tàu.

Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang, tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm IUU, nhưng 10 tháng của năm 2020, tại Kiên Giang đã xảy ra 15 vụ với 37 tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là việc triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng lại chưa lắp đặt được toàn bộ số tàu theo quy định, hệ thống giám sát chưa đủ đồng bộ. Thông tin liên quan đến tàu cá chưa đầy đủ, chưa chính xác.

Theo thống kê, hiện tỉnh Kiên Giang vẫn có hơn 1.000 tàu cá vi phạm lỗi mất tín hiệu kết nối với hệ thống giám sát, trong đó có khoảng 500 tàu cá mất kết nối ngoài khơi. Mức xử phạt các hành vi tháo, ngắt thiết bị giám sát trên tàu cá chưa đủ sức răn đe. Công tác xử lý vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác còn ít so với số lượng tàu cá vi phạm. Cùng với đó, do công tác điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn nên một số chủ tàu, thuyền trưởng thường né tránh trách nhiệm, không thừa nhận hành vi sai phạm, cố tình xóa nhật ký hành trình hoặc vô hiệu hóa thiết bị. Khi bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, một số chủ tàu không khai báo mà tự tìm cách chuộc tàu và đưa ngư dân về nước bằng con đường không chính thức, gây khó khăn trong công tác bảo hộ công dân và công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Đức Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực trong lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình và kiểm soát việc tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng. Nhưng tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài hiện nay vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức...

Để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC, tập trung ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, theo ông Nguyễn Đức Chín, các sở, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện các giải pháp. Cần khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc lắp đặt, giám sát thiết bị hành trình. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào các trạm và kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi chưa đầy đủ các thủ tục hành chính.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO