Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 08:50 GMT+7

Nhiều nỗ lực kéo giảm buôn lậu qua biên giới An Giang

Biên phòng - Với quyết tâm cao và tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, thời gian gần đây, các đồn, đơn vị BĐBP An Giang đã lập nhiều thành tích góp phần kéo giảm buôn lậu qua biên giới.

xqgm_7a
Tang vật một vụ vận chuyển đường lậu qua biên giới bị BĐBP An Giang thu giữ.  Ảnh: Phương Vy

Bắt buôn lậu cũng như đánh trận

Chúng tôi xuống cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú đúng lúc trời đổ mưa to. Đang là cao điểm của mùa mưa nên dòng sông Tiền rộng trên 1,6km (nối liền An Giang với Đồng Tháp) mênh mang nước, lúc nào cũng đỏ ngầu phù sa.  Một số chiếc tàu to, trọng tải nhiều chục tấn vẫn lầm lũi chạy, không ai biết trên đó chở những mặt hàng gì. Những quán cà phê lụp xụp dọc theo sông biên giới Bình Di lúc nào cũng có người. Đưa chúng tôi đi thị sát một vòng biên giới, Trung tá Lại Xuân Trường, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Long Bình nói, trong số những người đang nhàn tản ngồi uống cà phê đó, có cả những người làm công việc “canh” Biên phòng, Công an và Hải quan. Nghĩa là họ được dân buôn lậu trả tiền để làm mỗi việc thông báo các di biến động của lực lượng chống buôn lậu. Đội quân này rất đa dạng, từ anh xe ôm, chị bán vé số, chủ quán cà phê...

Trung tá Lại Xuân Trường cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 6-2019, Đồn BPCK Long Bình đã chủ trì và phối hợp bắt giữ gần 46 vụ buôn lậu, thu giữ gần 42.100kg đường cát, 1.900 gói thuốc lá ngoại, trên 54.000kg phế liệu nhập lậu qua biên giới và nhiều tang vật khác với tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Điển hình là chỉ trong 2 ngày cuối tháng 4-2019, đơn vị đã bắt liên tiếp 2 vụ buôn lậu.

Cụ thể, ngày 29-4, Đồn BPCK Long Bình phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang phát hiện tại kho nông sản của bà Phạm Thị Ly (thuộc tổ 2, ấp An Khánh, xã Khánh An) 130 bao đường cát (loại 50kg/bao) với tổng trọng lượng 6,5 tấn. Tiếp đó, khoảng 4 giờ, ngày 30-4, cũng tại khu vực xã Khánh An, Tổ công tác chống buôn lậu Đồn BPCK Long Bình tiếp tục thu giữ 60 bao đường cát không rõ nguồn gốc (tổng trọng lượng 3 tấn). Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, không ai nhận là chủ nhân của số hàng hóa trên.

Nếu ở Long Bình, phần lớn hàng lậu là đường cát thì khu vực Vĩnh Ngươn (thành phố Châu Đốc) và huyện Tịnh Biên lại nổi lên mặt hàng thuốc lá ngoại. Thiếu tá Huỳnh Thanh Tâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn cho biết, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã chủ trì và phối hợp bắt giữ trên 40 vụ buôn lậu qua biên giới, thu giữ trên 50.000 gói thuốc lá ngoại, 13.000kg đường và nhiều tang vật khác với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 11-7, khi tổ chức mật phục tại khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, Tổ công tác chống buôn lậu của Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn phát hiện một nhóm đối tượng đang đai vác hàng hóa qua biên giới từ Campuchia về Việt Nam có nhiều biểu hiện nghi vấn. Phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ chạy về biên giới Campuchia, bỏ lại 3.100 gói thuốc lá Hero. Thiếu tá Huỳnh Thanh Tâm nói, bắt buôn lậu cũng giống như đánh trận, phải áp dụng nhiều “chiến thuật” mới bắt được quả tang. Nhưng phần lớn các vụ bắt hàng lậu đều vô chủ, vì khi khi đụng đội tuần tra, biết không thể thoát, chủ hàng đều bỏ của chạy lấy người.

Quyết tâm kéo giảm buôn lậu

Theo đánh giá của Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP, Phó ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của tỉnh còn phức tạp. Tuy nhiên, mức độ, quy mô tổ chức hoạt động đã giảm đi đáng kể, riêng mặt hàng đường cát nhập lậu lại gia tăng mạnh. Các đầu nậu tập kết, thay đổi bao bì, sử dụng vỏ lãi, xuồng máy công suất lớn, xe máy... để vận chuyển đường lậu từ biên giới Campuchia vào nội địa. Tinh vi hơn, các đối tượng buôn lậu không hoạt động ồ ạt như trước đây mà chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ và ngụy trang, cất giấu với số lượng vừa phải, khi bị bắt giữ chưa đủ yếu tố để khởi tố. Chúng tổ chức người theo dõi, giám sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu ngay gần đồn, trạm, chốt Biên phòng để thông báo cho đối tượng buôn lậu đối phó, né tránh; thường xuyên thay đổi tuyến đường, địa điểm tập kết, phương tiện giao nhận hàng.

Ngoài đường cát, thuốc lá, rượu ngoại, thời gian gần đây còn có các vụ vận chuyển ngoại tệ từ biên giới vào. Điển hình, ngày 8-6, Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn đã phát hiện Phan Thị Hoài Phương (sinh năm 1986, ngụ phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) đi xe máy, vượt biên giới từ Campuchia về, mang theo 50.000USD. Phương khai, từ thành phố Châu Đốc qua Campuchia mượn tiền của người đàn ông tên Mít (khoảng 40 tuổi) bên casino gửi cho chồng của Phương tên là Phong để làm ăn, nhưng khi qua Trạm kiểm soát Biên phòng thì bị phát hiện và bắt giữ. Tiếp đó, ngày 24-6, tại khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, Đội Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn bắt vụ vận chuyển trái phép 470.000USD. Các đối tượng đã bỏ chạy về phía Campuchia, để lại toàn bộ tang vật. 

Đại tá Lý Kế Tùng cho biết, quá trình hoạt động, các đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu đối với người đai vác, vận chuyển thuê. Chủ hàng và đầu nậu không lộ mặt mà chỉ đạo các đối tượng từ xa bằng điện thoại di động nên rất khó bắt giữ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, khi bị thu giữ hàng hóa, các đối tượng thường lôi kéo người thân, phụ nữ, thanh niên, trẻ em cướp lại hàng và chống người thi hành công vụ... Ngoài các thủ đoạn nêu trên, đối tượng buôn lậu còn lợi dụng quay vòng hóa đơn mua hàng tịch thu; các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi để hợp thức hóa đường cát nhập lậu. 

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, BĐBP An Giang phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 445 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, thu giữ gần 300.000 gói thuốc lá, 400 tấn đường, trên 50 tấn phế liệu và nhiều tang vật khác với tổng trị giá trên 25 tỷ đồng.

Theo Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang, tại một số địa bàn trên tuyến biên giới của tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đường. Chỉ riêng khu vực Long Bình đang tồn tại 6 kho hàng của các doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chứa chấp hàng lậu. Do vậy, các đối tượng vận chuyển đường lậu từ biên giới đưa thẳng vào các cơ sở đó để sơ chế, sau đó thay đổi bao bì vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu trong việc truy xuất nguồn gốc. 

“Nhưng dù khó khăn, gian khổ đến đâu, chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục để ngăn chặn, kéo giảm nạn buôn lậu xuống mức thấp nhất” - Đại tá Lý Kế Tùng khẳng định quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang trước khi kết thúc buổi trò chuyện thân tình với chúng tôi.

 Đăng Bảy

Bình luận

ZALO