Biên phòng - Mưa kèm theo dông, lốc, mưa đá xảy ra trong 2 ngày qua đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng – theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 22-4.

Theo đó, chiều tối 21-4, trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã xảy ra lốc xoáy kèm theo mưa đá.
Tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, mưa đá kéo dài hơn 20 phút. Người dân địa phương cho biết, những viên đá rơi xuống có đường kính hơn 1cm. Đây là cơn mưa đá lần thứ 2 trong năm 2020 và là cơn mưa to nhất trong vòng 5 năm trở lại đây tại địa bàn xã Hữu Kiệm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, lốc xoáy kèm theo mưa đá tại huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã làm 208 nhà tốc mái, hư hỏng, 12ha lúa bị đổ.
Trước đó, ngày 20-4, tại tỉnh Gia Lai, mưa dông xảy ra tại xã Đắk Krong, huyện Đắk Đoa làm 17 nhà dân và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng bị tốc mái. Ước tính thiệt hại 50 triệu đồng.
Tại tỉnh Kon Tum mưa đá kèm theo dông, sét và lốc xoáy đã làm 17 nhà bị tốc mái; 50ha lúa; 300 cây công nghiệp, 0.312ha cao su bị gãy đổ; 3 loa phát thanh bị hư hỏng, 7 cột điện bị gãy đổ.
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến 24-4, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 40-80mm/24h, có nơi trên 120mm/24h); khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trên các sông suối sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu các sông khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 2-3m, hạ lưu các sông khu vực Bắc Bộ từ 1-2m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông dưới mức báo động 1.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các đô thị và lũ quét, sạt lở đất khu vực vùng núi, đặc biệt là tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa và Nghệ An.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 22-4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh.
Tổ chức kiểm tra rà soát nơi ở an toàn, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét kèm theo mưa đá để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ thị số 36/CT-TWPCTT ngày 16-4-2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.
Xuân Hương