Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Nhiều lợi ích qua khám sức khỏe tiền hôn nhân

Biên phòng - Những năm qua, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những yếu tố cần thiết, quan trọng giúp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe để có cuộc sống hạnh phúc, bền vững, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam trong tương lai.

Với các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, việc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm cần thiết. Ảnh: CTV

Giúp phát hiện dị tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh

Theo thống kê, hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.

Theo bác sĩ Trần Thủy, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng như sàng lọc trước và sau khi em bé chào đời là những việc làm vô cùng quan trọng. Sàng lọc trước kết hôn để giúp các cặp vợ chồng biết họ có mang gene bệnh trong người hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ tư vấn cho các cặp đôi và đưa ra lời khuyên khi họ mang thai. Khi có thai, làm sàng lọc trước sinh sẽ giúp sàng lọc được các bào thai. Phát hiện có dị tật sẽ đình chỉ để hủy thai. Bước tiếp theo là khi em bé được sinh ra, việc lấy máu gót chân đưa đi xét nghiệm, thực hiện khám ban đầu cho bé sẽ giúp phát hiện xem bé có vấn đề gì không, liệu có bệnh lý gì không để có những can thiệp kịp thời, tránh hệ lụy nặng nề về sau.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người lâu nay vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn, do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho là chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám. Hoặc có nhiều bạn nữ muốn đi khám nhưng lại sợ bạn bè và người thân dị nghị “chắc là có vấn đề mới phải đi khám”… Tất cả những suy nghĩ này vô hình chung đã tạo nên rào cản khiến ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đối với nhiều bạn trẻ. Cũng chính vì thế nhiều người mắc những căn bệnh truyền nhiễm không đáng có từ chính bạn đời của mình.

Nâng cao chất lượng giống nòi

Việc nâng cao chất lượng giống nòi, hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra là một trong những vấn đề được đặc biệt chú trọng để nâng cao chất lượng dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, có 70% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% số trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Hiện nay, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đã được Bộ Y tế triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại các bệnh viện sản, nhi cấp tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện trên cả nước đã và đang triển khai các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh bảo đảm cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Các bà mẹ có thể đến để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.

Chị Quàng Thị Son (18 tuổi) ở phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và sự tư vấn của cán bộ y tế, dân số, tôi đã biết được những việc cần làm trước khi kết hôn và mang thai. Ngoài tiêm vắc-xin, tôi đã kiểm tra tình trạng sức khỏe để biết được có bệnh trong người nhằm tránh các dị tật bẩm sinh cho con sau này. Nếu có bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn cho tôi và đưa ra lời khuyên cho tôi trước khi mang thai”.

Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao cần được duy trì và mở rộng nhằm giảm thiểu bệnh tật ở trẻ sơ sinh, tránh việc sinh con không khỏe mạnh. Và nếu biết trước tình trạng sức khỏe của cha, mẹ thì có thể tiên lượng và phòng tránh một số bệnh cho con, góp phần xây dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh, nâng cao chất lượng giống nòi.

Đảm bảo quyền lợi của trẻ vị thành niên

Mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân của ngành Dân số không chỉ giúp thanh niên lẫn vị thành niên nâng cao kiến thức, nhận thức, có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, đặc biệt là khám sức khoẻ trước khi kết hôn. Đây còn là một trong số ít giải pháp đảm bảo quyền lợi của thanh niên nam nữ chuẩn bị kết hôn, đặc biệt là trẻ vị thành niên (các em gái từ 15-19 tuổi).

Trong Mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, một nội dung quan trọng được ngành Dân số cả nước thực hiện là tư vấn và khám sức khỏe sinh sản đối với trẻ vị thành niên, tức là đảm bảo quyền được chăm lo và bảo vệ đối với trẻ em gái vị thành niên. Trong một tài liệu được phát hành bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) với chủ đề “Tuổi vị thành niên: Tuổi của cơ hội”, đã đề cập đến quyền của trẻ vị thành niên bao gồm y tế, giáo dục, được bảo vệ và được tham gia mọi hoạt động trong đời sống với cơ hội ngang bằng về giới.

Liên quan đến quyền về y tế của trẻ vị thành niên, UNICEF đề cập đến 5 vấn đề cụ thể, bao gồm dinh dưỡng, sức khỏe tình dục và sinh sản, HIV/AIDS, sức khỏe tâm thần, khuyết tật. UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia cấp thiết đầu tư vào trẻ vị thành niên và cùng hành động vì đối tượng được xem là “tương lai của thế giới” này. UNICEF cũng cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên bị xã hội, cộng đồng, thậm chí là những nhà hoạch định chính sách “bỏ lơ” tại một số quốc gia. Trước thực trạng đó, có thể nói Mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân mà ngành Dân số cả nước đang nỗ lực thực hiện là mô hình có nhiều lợi ích, đặc biệt đối với trẻ em gái vị thành niên.

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không mang tính bắt buộc mà dựa theo tinh thần tự nguyện của mỗi người. Đây là mô hình thiết thực và trở thành kênh thông tin hữu ích cho nhiều bạn trẻ. Vì vậy, để triển khai mô hình có hiệu quả rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động kết hợp với giáo dục một cách thường xuyên, liên tục và kiên trì, sự phối hợp của các cơ sở y tế trong việc hướng dẫn và định hướng khám sức khỏe cho thanh niên (trong đó có cả trẻ vị thành niên), tiếp cận kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất góp phần nâng cao chất lượng dân số tương lai của giống nòi Việt.

Thông thường, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe:

- Kiểm tra sức khỏe chung: Mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng…

- Khám bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Lậu, giang mai, hạ cam mềm, viên gan siêu vi B, sùi mào gà, nấm…

- Xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng: Đã mắc các bệnh nào trước đây, đã có những phẫu thuật nào, tim mạch, mắc bệnh truyền nhiễm, môi trường làm việc có tiếp xúc chất độc hại, các tai nạn, thương tích…

- Bệnh sử gia đình, bệnh về rối loạn tâm thần: Người thân trong gia đình mắc những bệnh gì? Cao huyết áp, tim mạch…

- Bệnh di truyền như: Hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu, tan máu bẩm sinh (thalassemia)…

- Bệnh truyền nhiễm: Bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, bệnh cúm, viêm não, bệnh lao, dịch tả, tiêu chảy…

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO