Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Nhiều kết quả tích cực trong vận động, thu hồi vũ khí trên địa bàn biên giới Đắk Lắk

Biên phòng - Từ năm 2020 đến nay, BĐBP Đắk Lắk đã vận động thu hồi trên 110 khẩu súng các loại, 46 viên đạn, 2 quả đạn cối và nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ khác. Riêng trong 6 tháng cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ năm 2022, đơn vị đã thu hồi 43 khẩu súng các loại, trong đó, có 2 khẩu súng quân dụng, 6 súng kíp, 25 khẩu súng cồn cùng nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ khác. Đáng nói là số vụ việc phạm pháp liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa có dấu hiệu thuyên giảm...

Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế sau khi được BĐBP Đắk Lắk tuyên truyền, vận động. Ảnh: Ngọc Lân

Xã Ia Rvê, huyện Ea Súp là một trong những điểm nóng về tình trạng chế tạo, sử dụng và tàng trữ vũ khí tự chế. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn còn quan niệm, có khẩu súng trong nhà như một nét văn hóa. Do nhận thức còn hạn chế, nhiều người dân không biết việc mình đang làm là vi phạm pháp luật.

Trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ do BĐBP Đắk Lắk triển khai, xã Ia Rvê là địa bàn có số lượng vũ khí được thu hồi nhiều nhất với 10 khẩu súng các loại, trong đó có 1 khẩu quân dụng, 9 khẩu súng bắn đạn hơi cồn, 2 lượng nổ với trọng lượng 0,5kg, 2 kíp nổ, 1 mã tấu.

Đại úy Nguyễn Viết Thanh, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Ia Rvê cho biết, nguyên nhân tàng trữ, sử dụng súng xuất phát từ 2 yếu tố: Thói quen và nhận thức. Trong khi đó, xã Ia Rvê nằm giáp ranh với rừng phòng hộ và Vườn quốc gia Yok Đôn. Theo thói quen, ngày nông nhàn, một bộ phận người dân thường vào rừng săn bắn chim rừng. Trong khi đó, việc chế tạo vũ khí tự chế như súng bắn đạn bi bằng hơi cồn rất đơn giản, có thể học trên mạng internet hoặc dựa theo kinh nghiệm, chi phí thấp, do đó, không khó để sở hữu một khẩu súng bắn đạn hơi cồn có khả năng sát thương cao.

Do thói quen và nhận thức hạn chế, cộng với việc sợ bị phạt, hiếm có gia đình nào chịu giao nộp vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ trái phép ngay trong lần đầu tiên được vận động. Điều đó đòi hỏi lực lượng chức năng phải kiên trì thuyết phục người dân mọi lúc, mọi nơi, với nhiều hình thức. Theo Đại úy Nguyễn Viết Thanh, việc tuyên truyền, vận động không đơn giản bởi nhiều người dân chống chế, hoặc cất giấu vũ khí tự chế tại nương rẫy, trong rừng.

Trước những khó khăn đó, Đồn Biên phòng Ia Rvê đã tổ chức rà soát từ các nguồn tin, rà từng đối tượng, sau đó, lập danh sách, tiến hành vận động thuyết phục bà con với nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Một trong số những biện pháp có sức răn đe, đó là tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ. Mỗi sự việc, mỗi đối tượng bị phát giác và xử phạt chính là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Trong đợt cao điểm vừa qua, đơn vị đã trực tiếp xử lý 2 đối tượng có hành vi tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép.

Những năm qua, các buổi tuyên truyền được tổ chức với tần suất dày hơn. Tính riêng trong đợt cao điểm vừa qua, các đơn vị thuộc BĐBP Đắk Lắk đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 27 buổi với hơn 1.300 lượt người tham gia; tổ chức được 24 ngày tuyên truyền lưu động bằng xe chuyên dụng; phát hơn 1.000 tờ rơi, treo hàng trăm pa nô, áp phích… trên địa bàn 4 xã biên giới.

Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê khẳng định: Vai trò của BĐBP rất quan trọng và giữ vị trí trung tâm trong vấn đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Chính từ việc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép đã góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về tác hại của việc tàng trữ và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Đại tá Vương Trường Nam, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk nhấn mạnh: Thời gian tới, tình trạng tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ ở khu vực biên giới sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị quán triệt, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nói riêng... Quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn, xây dựng kế hoạch cao điểm, không để hình thành khu vực phức tạp về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Cho đến thời điểm này, việc tuyên truyền, vận động là biện pháp được đánh giá cao, song bất cứ biện pháp nào, dù tối ưu đến mấy cũng sẽ không thể đưa đến những kết quả tốt nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng BĐBP, Công an, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, tự giác chấp hành pháp luật của mỗi người dân.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO