Biên phòng - Với tổng kinh phí hơn 149 triệu USD, sau 5 năm triển khai, từ năm 2014 đến năm 2019, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (GNKVTN) đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, đời sống cho 142.000 hộ dân, trong đó, đa số là các gia đình người dân tộc thiểu số, người nghèo và cận nghèo.

Dự án GNKVTN tập trung phát triển cộng đồng tại 26 huyện nghèo của 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và 2 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của những huyện này khoảng 49% với tổng mức dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó, hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Lao động, văn hóa, xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Giám đốc Ban Điều phối Trung ương Dự án GNKVTN: Để giải quyết những thách thức mà Tây Nguyên đang phải đối mặt, dự án đã được thiết kế thành một kết cấu can thiệp tổng thể và toàn diện bao gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, phát triển sinh kế bền vững, nâng cao năng lực và quản lý dự án. Các yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ, bổ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu cao nhất của dự án, đó là giảm nghèo bền vững.
Sau 5 năm triển khai, Dự án GNKVTN đã thực hiện tổng số hơn 2.100 tiểu dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm xây mới và cải tạo đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây mới hàng chục cây cầu... Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Điều phối Trung ương Dự án GNKVTN cho biết, sau 5 năm triển khai, dự án đã cơ bản đạt được những mục tiêu tổng quát đề ra ban đầu. Tại các huyện của dự án, chúng tôi chú trọng đầu tư xây dựng những con đường, những cây cầu, những sân phơi, những trạm cấp nước có tác động trực tiếp lên cuộc sống của bà con.
“Tới nay, hơn 439km đường nông thôn đã được xây dựng, góp phần tạo thuận tiện cho người dân đi lại, giảm chi phí vận chuyển, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm và mở rộng vùng sản xuất. Dự án cũng đã hoàn thành kiên cố hóa kênh mương và đập thủy lợi tại một số xã, mở rộng vùng tưới lên hơn 4.000ha, góp phần tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng hằng năm. Bên cạnh đó, dự án đã hoàn thành xây dựng 73 cây cầu treo, một số cống, ngầm tràn và 141 hệ thống nước tự chảy cung cấp nước sạch cho hơn 1.000 hộ gia đình” - Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã hỗ trợ trực tiếp người dân thực hiện các mô hình sinh kế với loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi nhằm tự chủ và đa dạng hóa thu nhập, cũng như phát triển liên kết thị trường. Người dân được hướng dẫn thành lập hơn 4.100 tổ nhóm cải thiện sinh kế để liên kết các hộ có cùng mục tiêu và loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi... Tới nay, đã có 142.000 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, trong đó, 59.000 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ con giống như bò, dê, heo, gà... và cây giống như lúa, ngô, dứa, chuối... Hiện nay, hơn 1.800 tổ nhóm sinh kế vẫn còn duy trì hoạt động. Một số mô hình kinh tế hộ đang mang lại hiệu quả rất cao như nuôi heo rừng lai, nuôi dê bách thảo, nuôi bò cỏ...
Được biết, trọng tâm của dự án là 130 xã nghèo, do đó, phương pháp tiếp cận phát triển do cộng đồng định hướng đã được nghiên cứu và áp dụng có chọn lọc. Dự án đã bố trí tại mỗi xã một cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng để hỗ trợ địa phương thực hiện việc lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, thành lập các tổ nhóm cải thiện sinh kế, hướng dẫn về chính sách và các thủ tục dự án, cũng như công tác thu thập số liệu và báo cáo. “Đây là điểm khác biệt trong thiết kế dự án, nhằm phát huy tối đa năng lực điều hành, quản lý của hệ thống Nhà nước, đồng thời hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cho phép thực hiện các quy trình mới như lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, những mô hình triển khai mới như tổ nhóm cải thiện sinh kế, đấu thầu dựa vào cộng đồng...” - Ông Trần Duy Đông cho hay.
Ở góc độ khác, so với nhiều dự án giảm nghèo trước đây, Dự án GNKVTN đã hỗ trợ bà con từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng hạ tầng đảm bảo cuộc sống sản xuất sinh hoạt bền vững. Không chỉ vậy, năng lực của các cán bộ chức năng tại địa bàn cũng được nâng cao hơn kể cả khi dự án đã kết thúc. Ông Lê Trọng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án GNKVTN huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Tái nghèo luôn là vấn đề nhức nhối nhất của các dự án giảm nghèo. Chính vì vậy, với tầm nhìn dài hạn, Dự án GNKVTN không chỉ chú trọng đào tạo cho người dân và tìm đầu ra cho sản phẩm, mà còn nâng cao năng lực cho các cán bộ chức năng tại địa bàn để ngay cả khi dự án đã kết thúc thì bà con vẫn có người đồng hành trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo”.
Bình Minh