Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 12:41 GMT+7

Kiên Giang:

Nhiều hộ thoát nghèo nhờ tín chấp của BĐBP

Biên phòng - Giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thoát nghèo bền vững bằng cách phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đứng ra tín chấp ngân hàng, bảo lãnh cho người dân được vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế. Đó là mô hình được BĐBP Kiên Giang triển khai suốt 7 năm qua và đang ngày càng khẳng định hiệu quả thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

a6hd_3284a.gif
 Nhờ vốn tín chấp của BĐBP, gia đình anh Nguyễn Hồng Thanh đã thoát nghèo bền vững.

Đến xóm Bãi Kem, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Hồng Thanh, hầu như người dân ở đây ai cũng biết. Họ biết bởi thời gian trước, gia đình anh thuộc diện khó khăn nhất, nhưng đến nay đã thoát nghèo bền vững, có của ăn của để nhờ biết cách phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay ban đầu. Anh tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang, đầm ấm vừa mới xây, trị giá trên 150 triệu đồng. Nhớ lại quãng thời gian khốn khó nhất của gia đình, anh Thanh cho biết: "Tôi vốn quê gốc ở Hà Tây (nay là Hà Nội), nhưng trước đây do đất sản xuất chật hẹp, cuộc sống vất vả nên đã cùng với vợ vào Phú Quốc lập nghiệp. Những ngày đầu chân ướt chân ráo vào huyện đảo, tôi dựng tạm căn nhà lá che nắng, che mưa. Quanh năm tần tảo, lam lũ làm thuê, cuốc mướn, đắp đổi qua ngày. Ước mơ bình dị của tôi lúc đó là làm sao có phương tiện đi biển để vợ con bớt cực nhọc hơn. Thế nhưng, đi làm thuê ngày nào đủ ăn ngày đó, thành ra không có cơ hội thay đổi cuộc sống túng bấn hiện tại".

Đầu năm 2007, niềm vui ập đến bất ngờ với gia đình anh Thanh khi cán bộ, chiến sĩ Đồn BP An Thới đứng ra bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp vay 5 triệu đồng để gia đình anh làm vốn chăn nuôi gia súc. Từ số tiền vốn vay được, đích thân Thiếu tá Lê Văn Na, Chính trị viên Đồn BP An Thới đã cùng anh lên tận thị trấn Dương Đông chọn mua 2 con bò giống to khỏe. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng chuồng trại... của cán bộ biên phòng cùng với việc chăm sóc chu đáo nên 2 con bò của anh Thanh lớn nhanh và phát triển tốt.

Cuối năm 2009, đàn bò gia đình anh tăng lên 9 con. Gặp đúng lúc bò đang có giá, anh liền bàn với vợ bán bớt 3 con để hoàn trả vốn vay cho ngân hàng. Số tiền còn dư, anh cất quán tạm để buôn bán. Không dừng lại ở đó, anh Thanh còn mạnh dạn chăn nuôi thêm 15 con heo và cá nước ngọt. Hiện tại, ngoài đàn bò 6 con khỏe mạnh, béo tốt, anh Thanh còn chăn nuôi trên 300 con gà và có một nhà hàng bên bờ biển An Thới.

Anh Thanh tính toán, hàng tháng, trừ tất cả các khoản chi phí, tổng thu nhập của gia đình trên dưới 20 triệu đồng, một nguồn thu trước đây có mơ cũng không thấy. Chia tay chúng tôi, anh Thanh nở nụ cười tự hào: "Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ mấy chú ở Đồn BP An Thới cả. Giả dụ nếu các chú ấy không đem uy tín của mình ra để giúp gia đình tôi có số vốn ban đầu mua bò chăn nuôi thì chắc cả nhà tôi giờ vẫn đang trong vòng luẩn quẩn đói nghèo thôi, chú ạ".

Rời huyện đảo Phú Quốc, chúng tôi tìm đến nhà anh Chao Del, ngụ ấp Thạch Động, xã Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên). Tương tự như hoàn cảnh gia đình anh Thanh, trước đây, vợ chồng anh Del cũng khốn khó không kém, không tấc đất cắm dùi. Gia đình anh cặm cụi làm lụng quanh năm suốt tháng nhưng cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.

Trung tá Nguyễn Việt Quân, Chính trị viên Đồn BPCK Quốc tế Hà Tiên cho biết, anh Del từng nhập ngũ, tham gia bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Năm 1980, anh Del phục viên, lập gia đình, rồi bám trụ lại trên địa bàn biên giới Hà Tiên. Không đất sản xuất, quanh năm vợ chồng anh làm thuê kiếm sống nhưng cũng không thể thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cuối năm 2006, sau khi khảo sát thấy hoàn cảnh gia đình anh Del gặp nhiều khó khăn, chỉ huy đơn vị quyết định đứng ra bảo lãnh, tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hà Tiên vay vốn, giúp gia đình anh Del mua 2 con bò giống.

Để tạo ra hiệu quả, bảo tồn nguồn vốn vay, đơn vị thường xuyên cử cán bộ xuống nhà anh Del giúp đỡ anh về kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh... Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ cùng với tính cần cù, chịu thương, chịu khó của cả gia đình, đầu năm 2008, đàn bò của anh Del đã phát triển thành 5 con. Anh bán bớt 2 con mua đất ruộng sản xuất và đầu tư vốn chăn nuôi heo, gà. Đến nay, ngoài đàn bò 7 con, gia đình anh Del có thêm 6.000m2 đất trồng lúa và đàn heo, gà hàng trăm con; đồng thời đã hoàn trả hết vốn vay cho ngân hàng.

Gia đình anh Thanh, anh Del là hai trong số 87 hộ dân khó khăn nơi biên giới, biển đảo được BĐBP Kiên Giang và Hội Nông dân tỉnh đứng ra tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Từ số vốn vay ban đầu đó, hiện nay, 80% số hộ trên đã thực sự thoát nghèo bền vững. Mong rằng, mô hình này sẽ sớm được các cấp, các ngành chức năng các địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trọng Hoàng

Bình luận

ZALO