Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo cải thiện sinh kế cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19

Biên phòng - Mặc dù năm 2021 dịch bệnh Covid-19 tác động khiến lượng tiêu thụ nông sản trên địa bàn bị giảm sâu, nhưng với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Nông và Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông phối hợp thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Không chỉ giúp người dân xây dựng nhà cửa, cải thiện chất lượng cuộc sống, chương trình còn hỗ trợ các phương tiện sinh kế, thúc đẩy phụ nữ vùng biên giới Đắk Nông nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Gia đình chị Thị Hơl, bon Bu Krăc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được tặng bò giống từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: Văn Hoàn

Đại tá Phan Quý Vỹ, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Nông chia sẻ: “Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Đắk Nông thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ, do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay. Chương trình cũng mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, nhận thức của phụ nữ khu vực biên giới cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ dân đã chủ động phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo”.

Được biết, quá trình triển khai, các cấp Hội đã phối hợp với các đồn Biên phòng khảo sát nhu cầu tại các địa bàn, đối tượng khó khăn, để chọn lựa hình thức hỗ trợ phù hợp. Tiếp đó, các đơn vị triển khai kế hoạch tổ chức, vận động nguồn lực để thực hiện. Điển hình như, các đơn vị phối hợp tổ chức tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phòng chống mua bán và xâm hại trẻ em, phòng ngừa hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, thành lập 2 tổ phụ nữ bảo vệ đường biên, cột mốc, mở 1 lớp học tình thương và tổ chức 3 Chương trình “Tết Biên phòng ấm lòng dân bản” cùng các đợt tặng quà. Kết quả, có 655 suất quà gồm học bổng, nhu yếu phẩm, xe đạp, mái ấm tình thương, bò giống cho gia đình các hội viên gặp khó khăn. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Nuôi heo đất đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, gắn với tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình, 2 đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, doanh nghiệp, hội viên phụ nữ nuôi 90 con heo đất, thu về gần 600 triệu đồng.

Mô hình nuôi dê giống của gia đình chị Nguyễn Thị Hải, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Văn Hoàn

Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Từ hộ khó khăn, cái nghèo quanh năm đeo bám, đến nay, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Hải, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil đã vơi bớt nhọc nhằn. Năm 2020 được hỗ trợ 10 triệu đồng theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị Hải đầu tư mua 2 con dê giống. Sau hơn 1 năm nuôi, cùng với vốn tích lũy nhân đàn, đến nay, gia đình chị có đàn dê 11 con.

Ngoài ra, chị Hải còn được vay 40 triệu đồng vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua 2 con bò giống. Nhờ chú trọng chăm sóc, đến nay, đàn vật nuôi phát triển tốt, cuộc sống gia đình dần ổn định. Chị Hải tâm sự: “Khi cầm trên tay số tiền chương trình hỗ trợ, tôi cảm thấy cần phải có trách nhiệm và nỗ lực thật nhiều để xứng đáng với sự quan tâm và giúp đỡ của Hội LHPN xã và đồn Biên phòng. Nhờ chương trình này mà đời sống gia đình tôi hiện nay đã ổn định hơn”.

Chúng tôi tới thăm gia đình chị Đỗ Thị Hoa Mai, làm nghề nông ở thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song. Hai năm trước, chị chẳng may bị tai nạn giao thông rất nặng, chi phí thuốc men điều trị dài ngày khiến kinh tế gia đình trở nên vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh của chị Mai, năm 2020, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ vốn để gia đình chị triển khai mô hình nuôi gà thả vườn.

Bên cạnh vốn hỗ trợ, chị cũng được cán bộ Hội LHPN xã Thuận Hạnh và cán bộ Đồn Biên phòng Đắk Song thường xuyên gặp gỡ, động viên, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn gà của gia đình chị Mai phát triển tốt và bước đầu cho thu nhập ổn định. Chị Mai phấn khởi cho biết: “Sau khi nuôi gà được hơn 3 tháng, tôi cho xuất chuồng lứa đầu tiên, thu được hơn 10 triệu đồng. Tôi dùng một phần số tiền tiếp tục nuôi quay vòng và mở rộng thêm. Từ ngày nuôi gà, không khí gia đình vui hẳn lên, vui nhất là cứ chiều chiều cả nhà lại ra vườn nhặt trứng gà”.

Không chỉ hỗ trợ vốn, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” còn tích cực kêu gọi sự ủng hộ của mạnh thường quân, đóng góp hỗ trợ nhà ở cho hội viên khó khăn. Gia đình chị Phan Thị Hoàng Oanh, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, hiện có 9 người con, trong đó, 5 người con bị bệnh. Bản thân chị bị tại nạn giao thông không thể đi lại được. Gia đình chị có hơn 1ha cà phê, nhưng do không có kinh phí đầu tư nên năng suất thấp, cũng không có điều kiện xây dựng nhà kiên cố để ở. Năm 2020, gia đình chị Oanh được chương trình hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà ở. Có chỗ che nắng, che mưa, cuộc sống gia đình chị đỡ vất vả hơn, yên tâm lao động sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo, khi dịch Covid-19 được dự báo là sẽ có diễn biến hết sức phức tạp, bà Nguyễn Thị Luân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Mil cho biết: “Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn khảo sát tình hình và nhu cầu thực tế của từng gia đình hội viên để từ đó, hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống. Chúng tôi sẽ thành lập thêm nhiều Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc và phòng chống bạo lực gia đình” cũng như những mô hình phát triển sản xuất ở khu vực biên giới, giúp bà con vượt qua khó khăn do dịch Covid-19”.

“Ðồng lòng, sáng tạo, thực chất, bền vững”, đó là tiêu chí để Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” phát huy hiệu quả, trở thành đòn bẩy giúp hội viên phụ nữ khó khăn vùng biên giới cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống. Qua đó, không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, mà còn huy động sức mạnh của các tổ chức hội và hội viên chung tay cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Văn Hoàn

Bình luận

ZALO