Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 03:28 GMT+7

Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng

Biên phòng - Trong những năm qua, từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ dân tại các xã miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS), xã đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo bền vững. Tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều hộ đồng bào DTTS tự tin, chủ động đăng ký vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, thay vì cán bộ ngân hàng, cán bộ xã phải động viên vay vốn như trước kia.

sf2i_9a
Không ít hộ đồng bào DTTS mạnh dạn vay vốn khởi sự kinh doanh trên nền tảng phát triển nghề truyền thống của dân tộc. Ảnh: Bích Nguyên

Thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng

Gia đình anh Chẻo Văn Sơn, vốn là hộ nghèo của xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Khi biết thông tin Nhà nước triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, anh đã đăng ký vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Với số vốn này, anh Sơn đầu tư vào nuôi lợn, mở rộng diện tích nương trồng ngô, lúa. Đến nay, gia đình anh mỗi năm xuất chuồng 20-30 con lợn; đàn bò 10 con luôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Gia đình anh chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Cũng giống như anh Sơn, gia đình anh Trần Trung Kiên, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc diện hộ nghèo từ năm 2012 đến năm 2016. Hai vợ chồng anh đều là người khuyết tật, cuộc sống càng thêm khó khăn khi nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào số cá đánh bắt được mỗi ngày trên sông Chảy. Năm 2014, cơ hội thay đổi cuộc sống đến với vợ chồng anh khi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.

Với số tiền 30 triệu đồng được vay, anh Kiên đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản và lợn, gà kết hợp với trồng trọt. Anh chia đất thành 2 khu chuyên canh, một khu trồng bưởi, các loại cây ăn quả; một khu trồng keo và bạch đàn. Nhờ sự chuyển đổi này, kinh tế gia đình anh dần được cải thiện. Hiện, đàn bò của anh lên tới 10 con, đàn lợn có 35 con và trên 300 con gà. “Từ năm 2015 đến nay, tôi đã bán 8 con bò, thu được 160 triệu đồng” - Anh Kiên cho biết. Năm 2016, gia đình anh thoát nghèo, trở thành hộ cận nghèo, 1 năm sau thì thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Cũng với số tiền 30 triệu đồng vay được, năm 2012, ông Đào Văn Ái, một cựu binh thôn Liên Sơn, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đầu tư mua lợn nái về chăn nuôi. Trong vòng 4 năm, từ số tiền lãi do chăn nuôi lợn, ông đầu tư chăn nuôi bò, đào ao nuôi cá. Ông Ái còn mạnh dạn mượn rừng của Nhà nước, đầu tư trồng cây keo. Đến nay, mỗi năm ông Ái thu về khoảng 100 triệu đồng từ mô hình kinh tế trang trại của mình.

Một điển hình khác thoát nghèo nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH là chị H’Lan, dân tộc Mạ, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Năm 2016, chị H’Lan được giới thiệu tham gia Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức. Qua cuộc thi, nhờ được học hỏi kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc lựa chọn mô hình sản xuất, cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư sản xuất, kinh tế gia đình chị H’Lan đã thay đổi nhanh chóng. Năm 2017, gia đình chị thoát khỏi diện hộ nghèo. Hiện, thu nhập của gia đình chị lên tới 180 triệu đồng/năm.

Nguồn vốn tín dụng mang lại hiệu quả rõ rệt

Những gia đình mà chúng tôi nêu trên là đại diện điển hình trong số hàng nghìn hộ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo trong những năm qua nhờ vào những chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách tín dụng cho người nghèo.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2016-2018, tính đến cuối tháng 9-2018, Ngân hàng CSXH có 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS, thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 42.000 tỉ đồng. Dư nợ bình quân một hộ đạt 30,6 triệu đồng. Ngoài các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở..., đồng bào còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ DTTS theo từng vùng miền.

Thông tin từ Ngân hàng CSXH Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2016-2018, vốn tín dụng CSXH đã góp phần giúp các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững. Trong đó, có trên 236.000 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123.000 lao động (trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Nguồn vốn tín dụng CSXH cũng giúp trên 32.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập. Hơn 784.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và hơn 19 căn nhà ở được xây dựng từ vốn tín dụng CSXH.

zf0e_9b
Một số gia đình DTTS dùng nguồn vốn chính sách tín dụng đầu tư chăn nuôi. Ảnh: Bích Nguyên

Theo đánh giá của các chuyên gia, vốn tín dụng CSXH đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng DTTS và giúp đồng bào DTTS dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng CSXH đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020. Quyết định 2085/QĐ-TTg tập trung vào 5 nhóm chính sách chính là: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Riêng chính sách tín dụng, Quyết định 2085/QĐ-TTg đã thể hiện rõ tinh thần tăng cường chính sách cho vay, giảm cho không, lấy hộ nghèo làm chuẩn. Nguồn vốn tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để người dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế trong tương lai như phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống.

Ngọc Lan

Bình luận

ZALO