Biên phòng - Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi đã được thụ hưởng 118 chính sách, 54 chính sách đầu tư trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp, trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Nhưng theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến việc thực hiện các chính sách kém hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo, thiếu đất ở, đất sản xuất, mù chữ, tái mù chữ trong đồng bào DTTS cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, thông qua các chính sách hỗ trợ kinh tế - xã hội, vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu và vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết, đó là việc bố trí nguồn lực hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cao... Việc bố trí nguồn lực cụ thể cho chương trình còn thấp, từ năm 2016-2018 mới bố trí được 38,12%, không đạt mục tiêu đề ra. Việc bố trí vốn “duy tu”, “bảo dưỡng” với Chương trình 30a, Chương trình 135 mới đạt 49,6% so với nhu cầu thực tế của địa phương. Từ đó dẫn đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, thu nhập bình quân các hộ đồng bào DTTS bằng 2/5 thu nhập bình quân cả nước, còn 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo. Những hạn chế nêu trên do thiếu nguồn lực, một số chương trình, dự án chồng chéo, trùng lắp, không kịp thời, thậm chí có chương trình ban hành từ năm 2016, đến nay vẫn chưa bố trí nguồn lực.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), đồng bào DTTS chỉ chiếm 14,6% tổng dân số cả nước, nhưng tổng số hộ nghèo chiếm 52,7%. Hiện nay, nhiều quyết định về chính sách hỗ trợ cho đồng bào được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016, nhưng chưa cân đối nguồn vốn để triển khai, dẫn đến còn hàng trăm ngàn hộ đồng bào đang cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tiếp cận tín dụng... “Đồng bào DTTS rất mong Chính phủ quan tâm, xem xét cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù, giúp bà con có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Quốc hội cần ban hành nghị quyết về chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, theo hướng lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới, trên cơ sở tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý và phân công rõ trách nhiệm, ưu tiên đảm bảo nguồn lực, nhất là các chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS” - Đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh.
“Để đồng bào có thể đứng vững trên đôi chân của mình, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần quan tâm giải quyết triệt để vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, thiếu đất ở và sản xuất, để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện phòng, chống đói nghèo bền vững” - Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị.
Ngoài vấn đề về bố trí nguồn lực không đạt mục tiêu, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn kém, thì tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu so với thực tiễn. Việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không người dân cũng tạo ra mặt trái, đi ngược lại sự kỳ vọng của các nhà quản lý và tính nhân văn của chính sách, dẫn đến một bộ phận đồng bào có tư tưởng trông chờ vào chính sách Nhà nước, không tích cực lao động sản xuất, thiếu ý chí vươn lên, mặc dù có sức lao động, có đất sản xuất, có đủ các điều kiện canh tác làm ra sản phẩm. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có các chính sách khuyến khích người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đại biểu Đinh Thị Phương Loan (Quảng Ngãi) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng phân định vùng, đối tượng thụ hưởng, phương thức hỗ trợ phù hợp; rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS còn hiệu lực, giải quyết căn cơ hơn tình trạng di cư, di dân tự phát, từng bước sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là đối với đồng bào di cư, vùng tái định cư, vùng bị thiên tai, lũ lụt tàn phá. Đồng thời, cần có định hướng xây dựng, hoàn thiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp hiệu quả; hoàn thiện, ban hành cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức DTTS, dành nguồn lực để bảo tồn và phát huy văn hóa trang phục tiếng nói, chữ viết người DTTS...
Còn đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) đề nghị, cần hình thành suy nghĩ mới về công tác giảm nghèo bền vững với các chính sách “cho cần câu thay cho con cá", đầu tư sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu để các hộ nghèo tự vươn lên, tránh ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Xem xét, sửa đổi cơ chế phù hợp để thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp chặt chẽ hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới...
Trước những đánh giá của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế trong việc bố trí nguồn lực đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi, nhưng khoản hỗ trợ đó chưa đủ so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Chúng ta phải có giải pháp căn cơ để tăng thu nhập cho người dân, đây là một tiêu chí cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện các giải pháp phải đồng bộ để thúc đẩy sản xuất phát triển trên cơ sở tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách phát huy lợi thế ở ngay từng vùng; nghiên cứu để phục hồi những giống cây, con đặc sản; gắn du lịch trải nghiệm với chương trình nông thôn mới; phát triển nhanh hạ tầng đối ngoại, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền và nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS. Những biện pháp này góp phần biến những vùng không có lợi thế, từng bước trở thành lợi thế, tạo ra nhiều sản phẩm đặc hữu... phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào các DTTS, miền núi”.
Viết Hà