Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 07:00 GMT+7

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Biên phòng - Ngày 1-1-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

img-0770
Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tỉ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm 1-1,5%. Trong ảnh: Người dân huyện Mèo Vạc, Hà Giang mua bò để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành đồng, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Theo đó, một số chỉ tiêu chủ yếu được đề ra gồm: Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giảm tỉ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước; tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,7% GDP. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ.

Chính phủ cũng đề ra chỉ tiêu, đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP. Đảm bảo cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Cải thiện đáng kể về thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN -4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Phấn đấu năm 2018 có ít nhất 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, phấn đấu đạt mục tiêu tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cao hơn 88,5%. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2.5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO