Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 07/12/2023 10:53 GMT+7

Nhiệm kỳ Chủ tịch EU khó khăn của Thụy Điển

Biên phòng - Thụy Điển đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) từ đầu năm nay và đây là lần thứ 3 nước này tiếp quản “ghế nóng” của tổ chức.

Chính phủ của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Sweden023.EU

Theo giới quan sát quốc tế, từ đầu năm 2022 đến nay, các nước EU đang trải qua những tháng ngày khủng hoảng hỗn hợp, gồm: Kinh tế, an ninh, năng lượng, nguồn cung lương thực, di cư… Trong bối cảnh hết sức phức tạp này, việc duy trì sự thống nhất của EU vốn đã khó, nay càng khó thêm bội phần. Cùng với đó, người “thuyền trưởng” của EU cũng phải chịu áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, các hoạt động quốc tế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia chính trị châu Âu cho rằng, năm 2022 được nhìn nhận là một năm đầy khó khăn, thách thức mang tính bước ngoặt lịch sử. Song, Pháp đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên vào 6 tháng đầu năm 2022, tiếp đó là Séc đảm nhiệm 6 tháng cuối năm 2022 đều đã đạt được những kết quả khá thành công.

Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả của 2 chủ tịch tiền nhiệm là một “bàn đạp” vững chắc giúp Thụy Điển. Bởi, Pháp - Séc - Thụy Điển là bộ ba Chủ tịch luân phiên EU được nhất trí thiết lập trước thời điểm Pháp đảm nhiệm chức vụ này vào đầu năm 2022. Thời điểm đó, bộ ba đặt ra một lộ trình với chương trình nghị sự 18 tháng (mỗi nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong nhiệm kỳ 6 tháng).

Về phương hướng của Thụy Điển trong 6 tháng đầu năm 2023, nước này đặt tham vọng với mục tiêu “Một châu Âu xanh hơn, an toàn hơn và tự do hơn” làm nền tảng. Từ đó, Thụy Điển đưa ra 4 ưu tiên gồm: An ninh - đoàn kết; Phục hồi - cạnh tranh; Thịnh vượng - chuyển đổi xanh và năng lượng; Các giá trị dân chủ và pháp quyền, cũng phản ánh các lập trường mà Thụy Điển ủng hộ tại EU lâu nay. Thụy Điển cũng phải tiếp tục triển khai Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” được các nhà lãnh đạo EU công bố cuối năm 2021 nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới.

Đây cũng là một bước đi quan trọng của EU giúp tăng cường kết nối, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19, hỗ trợ các đối tác cùng phát triển bền vững. Đồng thời là cơ hội chiến lược với EU trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, giúp EU cân bằng quyền lực, tăng quyền tự chủ chiến lược và kết nối thế giới.

Thụy Điển được kỳ vọng sẽ là một đối tác đàm phán mang tính xây dựng, nhưng giới phân tích cho rằng, những vấn đề chính trị - kinh tế hiện tại ở Thụy Điển sẽ tạo ra rào cản lớn. Điển hình nhất là giá năng lượng leo thang, thị trường bất động sản đóng băng đang đẩy quốc gia này đứng trước nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất trong số 27 quốc gia thành viên EU. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này cũng tăng từ mức 10,9% trong tháng 10/2022 lên 11,5% vào tháng 11/2022, mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Lạm phát được điều chỉnh theo lãi suất cố định, con số mà Ngân hàng Trung ương nước này dựa vào để xác định chính sách tiền tệ, cũng tăng từ mức 9,3% trong tháng 10/2022 lên 9,5% trong tháng 11/2022. Trên trường quốc tế, mâu thuẫn nội bộ EU vẫn diễn ra, đặc biệt là về vấn đề người di cư, tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh, trong đó có quan điểm về khí đốt và năng lượng hạt nhân…

Theo giới phân tích, dù Thụy Điển cho thấy sự chủ động trước các thách thức cùng với những bước triển khai ban đầu tích cực và có quá trình chuẩn bị, nhưng trên thực tế, những vấn đề nội tại của EU và diễn biến địa chính trị phức tạp tại khu vực là điều không thể phủ nhận và đe dọa rất lớn đến sự thành công của Thụy Điển trong nhiệm kỳ này.

Dẫu vậy, sự hợp tác của EU với các đối tác quốc tế hiện nay vẫn được đông đảo giới chuyên gia khẳng định là “chìa khóa vàng”, cùng với kết quả thực tế thực hiện Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ giúp châu lục vươn lên. Chắc chắn rằng, sự điều hành của Thụy Điển với lập trường và tiếng nói rõ ràng trong 6 tháng tới sẽ là yếu tố quyết định cho việc hình thành một “bản lề” quan trọng trong tiến trình tái thiết của EU.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO