Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 12:59 GMT+7

Nhật Bản trợ giúp hiện thực hóa "Giấc mơ châu Phi"

Biên phòng - Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD-6) vừa kết thúc tại thủ đô Nairobi của Kenya ngày 28-8 vừa qua. Với những cam kết hỗ trợ châu Phi thúc đẩy phát triển kinh tế, chống khủng bố và bảo đảm an ninh, Nhật Bản đang giúp “lục địa đen” hiện thực hóa “Giấc mơ châu Phi” trong tương lai…

yr064z2pw3-52648_c19c68d3-495e-bb09-d35a-5a73064f01ab@yahoo.com_a1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên phải) tại Hội nghị TICAD-6. Ảnh: AFP

Lần đầu tiên diễn ra tại một quốc gia châu Phi, với khẩu hiệu “Nhật Bản thay đổi và châu Phi cũng thay đổi”, Hội nghị TICAD-6 đã đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Nhật Bản - châu Phi. Việc lần đầu tiên TICAD được tổ chức bên ngoài Nhật Bản sau hơn 20 năm cơ chế này đi vào hoạt động cho thấy nước này coi trọng đối tác châu Phi, xem “lục địa đen” là một trong những ưu tiên về địa chiến lược.

Cam kết đầu tư 30 tỷ USD trong ba năm

Có thể thấy châu Phi là khu vực đầy triển vọng đối với nhiều quốc gia. Mặc dù điều kiện cơ sở hạ tầng và quản lý còn khó khăn, các quốc gia châu Phi đang bắt đầu thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Hiện nay, một nửa trong số 30 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nằm ở lục địa này. Đó là lý do vì sao châu Phi đang trở thành “điểm đầu tư hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Trong đó, gần 690 doanh nghiệp Nhật Bản, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, khai thác nguyên liệu và sản xuất ô tô, đang hoạt động tại châu Phi, tăng gấp đôi so với con số hơn 330 doanh nghiệp năm 1993.

Kể từ TICAD-5 năm 2013, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến châu Phi như giá nguyên liệu sụt giảm, dịch Ebola hoành hành và chủ nghĩa khủng bố gia tăng. Do vậy, một trong những ưu tiên của Nhật Bản tại TICAD-6 lần này là dành 30 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, trong đó có 10 tỷ USD dành cho phát triển hạ tầng. Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản sẽ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào châu lục này, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng, vệ sinh môi trường, điện và giảm nghèo. Thủ tướng Abe khẳng định, Tokyo sẽ hợp tác với châu Phi để hiện thực hóa "Giấc mơ châu Phi". Theo nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc, Nhật Bản đang hướng tới việc thực hiện mục tiêu đó thông qua việc chuyển giao công nghệ cao cũng như phát triển nguồn lực. "Công nghệ cao và phát triển nguồn lực sẽ được cải thiện, chẳng hạn như sản xuất nông nghiệp, từ đó sẽ cải thiện được chất lượng sống của người dân", ông Abe nhấn mạnh. Thủ tướng Abe còn cho hay, chìa khóa để phát triển kinh tế đó là công nghiệp hóa. Hiện châu Phi đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực công nghiệp, do đó ông hy vọng việc chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp giải quyết được vấn đề.

Theo đánh giá của báo điện tử "Gulfnews" của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với khoản cam kết đầu tư trên, Nhật Bản đang cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi với Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết đầu tư 60 tỷ USD vào châu Phi khi Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị cấp cao châu Phi - Trung Quốc tại Nam Phi vào năm 2015. Số vốn cam kết của Bắc Kinh được thực hiện dưới hình thức các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển. Trong khi đó, Mỹ cũng đã cam kết đầu tư 14 tỷ USD vào lục địa này tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi năm 2014.

ywqebnd296-52648_181cf330-ce89-96fc-e474-fd121000aacd@yahoo.com_a2
Các chuyên gia Nhật Bản tham gia dự án xóa đói giảm nghèo ở Ghana. Ảnh: lemonde.fr

Đồng hành trong cuộc chiến chống khủng bố

Trong khuôn khổ Hội nghị TICAD-6, các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhấn mạnh rằng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của châu Phi, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ châu lục này trong cuộc chiến chống khủng bố.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Nairobi, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta nhấn mạnh: “Chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa, thậm chí hủy hoại một số nước. Các tổ chức khủng bố đang phát triển mạng lưới của chúng ra toàn thế giới. Những kẻ khủng bố đang lợi dụng các xã hội dân chủ và cởi mở để phá hoại. Tác động tiêu cực từ chủ nghĩa khủng bố đối với nền kinh tế là hết sức nghiêm trọng. Do đó, chúng ta cần tăng cường mạnh mẽ sự phối hợp với các nước láng giềng và các đồng minh trong nỗ lực chống khủng bố". Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng nhấn mạnh việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên cơ sở luật pháp và tăng cường an ninh, an toàn trên biển thông qua hợp tác quốc tế và khu vực theo luật pháp quốc tế.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ mong muốn kết nối châu Phi với châu Á thông qua các tuyến đường biển. Ông Shinzo Abe nhấn mạnh: "Đây sẽ là tuyến đường huyết mạch vì sự phát triển và thịnh vượng. Châu Phi và Nhật Bản sẽ cùng chia sẻ các lợi ích chung". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho rằng, châu Phi cần có một ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để "đảm bảo có tiếng nói" trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế...

Với kết quả đạt được tại Hội nghị TICAD-6 vừa qua, có thể nói chuyến thăm Kenya và tham dự Hội nghị của Thủ tướng Shinzo Abe đã thành công khi khẳng định được vị trí của Nhật Bản tại châu Phi đồng thời giúp “lục địa đen” thực hiện giấc mơ “hóa rồng”. Hội nghị đã tạo ra một dấu ấn quan trọng trong quan hệ Nhật Bản-châu Phi, góp phần đưa quan hệ giữa một nước với một châu lục lên tầm cao mới, hợp tác và phát triển bền vững.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO