Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Nhanh chóng giảm bớt những điểm trường tạm bợ

Biên phòng - Mưa, gió kéo dài từ đầu tháng 6. Điểm trường nhà tạm Chế Á - Tiểu học Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên mặc dù đã được chằng chống bằng các loại cột xung quanh nhà nhưng vẫn bị đổ sập. Dân bản và các thầy cô mải dọn dẹp nhưng cũng chưa nghĩ được cách nào để có chỗ cho các em học, khi ngày khai giảng năm học mới đang cận kề.

5vke_9a
Điểm trường nhà tạm Chế Á - Tiểu học Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên học ghép lớp.  Ảnh: Linh Lan

Không chỉ ở Tuần Giáo, nhiều huyện thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng các phòng học được dựng lên bằng gỗ và luồng, mái lợp bằng những lá kè, lá cọ, mỗi phòng học có vài chiếc bàn phục vụ cho việc dạy học vẫn còn. Một số điểm trường vẫn còn tình trạng 2 khối lớp học chung một phòng, quay lưng vào nhau hướng mặt về hai phía bảng mà không có vách ngăn.

Công tác quy hoạch mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong những năm qua còn một số bất cập. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chỉ tính riêng huyện Tuần Giáo, hiện nay, toàn huyện có 92/875 phòng học còn thuộc diện tạm bợ. Một số trường và điểm trường thường xuyên trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; các công trình vệ sinh của một số trường chưa được đầu tư, chủ yếu do giáo viên tự làm nên chất lượng chưa thực sự đảm bảo.            

Để đến được với các lớp học ở những điểm lẻ, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa không chỉ phải vượt qua sông, suối và những con dốc thẳng đứng cách trung tâm xã cả chục km, nếu trời mưa thì chỉ có cách đi bộ trên con đường lầy lội, trơn trượt, vượt suối.

Nằm cách thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang hơn 30km, thôn Khuổi Luồn là một trong 3 thôn thuộc diện 135 đặc biệt khó khăn của xã Hữu Sản. Đời sống của nhân dân nơi đây còn rất nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở. Dòng suối Thản chảy giữa 2 thôn Chiến Thắng và Khuổi Luồn chia cắt Khuổi Luồn với khu vực bên ngoài. Cây cầu tạm duy nhất bắc ngang qua suối cho người dân qua lại, trẻ nhỏ đến trường trong tình trạng sụt lún, không an toàn, đặc biệt nguy hiểm khi mùa mưa lũ đến.

Vào những ngày nước lũ dâng cao, cây cầu bắc tạm qua suối Thản bị nhấn chìm, thôn Khuổi Luồn bị chịu cảnh cô lập. Một người dân ở thôn Khuổi Luồn chia sẻ: “Vào mùa mưa lũ, mỗi đợt mưa kéo dài khoảng 4-5 ngày, nước dâng cao 2m nhấn chìm cây cầu tạm duy nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 43 hộ dân trong thôn. Ngày nước lũ dâng cao, giáo viên không thể vào thôn để đến điểm trường dạy cho 19 em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 3, các em lớn hơn cũng không thể qua cầu để tới lớp, việc học tập phải ngưng lại”.

jwl7_9b
Trường lớp sơ sài, tạm bợ - bài toán không lời giải với thầy trò vùng cao. Ảnh: Linh Lan

Hàng loạt những nỗi lo xen lẫn nguy cơ sạt lở núi đang uy hiếp các điểm trường ở vùng cao. Trong lúc chưa có trường mới, các em phải học nhờ lán trại tạm bợ. Ông Mai Trọng Thuyết, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục  tỉnh Điện Biên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng tích cực chia sẻ trên facebook để nhiều người thấu hiểu, ủng hộ giúp đỡ bà con thông qua các chương trình thiện nguyện của các nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức tài trợ. Trong đó, phải kể đến Quỹ Vì tầm vóc Việt, Quỹ Cơm có thịt đã kêu gọi được hàng tỉ đồng đầu tư xây dựng điểm trường cho các em học sinh một số thôn, bản”.

Chính sự chủ động chia sẻ, kết nối và phối hợp tốt nên thời gian qua, huyện Tuần Giáo đã có được sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, góp phần giảm bớt những điểm trường tạm bợ.

Linh Lan

Bình luận

ZALO