Biên phòng - Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11-11-2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Luật gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Nhìn lại quá trình xây dựng, ban hành Luật BPVN và những yêu cầu về tổ chức thực hiện trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay.
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 5.036km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia; có bờ biển dài hơn 3.260km với vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán rộng khoảng 1 triệu km2, có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Có 44 tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển với 239 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, gồm 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới (KVBG).
Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), xây dựng KVBG luôn là vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật tổ chức thực hiện. Trong đó, Pháp lệnh BĐBP được ban hành năm 1997 giúp lực lượng BĐBP phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện tốt 3 chức năng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại...
Tuy nhiên trong tình hình mới có nhiều điểm trong Pháp lệnh BĐBP không còn phù hợp. Nhằm thể chế các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ BGQG và xây dựng lực lượng BĐBP; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế về biên giới mà Việt Nam là thành viên; kế thừa những quy định của Pháp lệnh BĐBP, khắc phục những vướng mắc, bất cập, phát triển, bổ sung các quy định mới, rất cần thiết có pháp luật về biên phòng.
Năm 2018, Bộ Quốc phòng tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP (1997-2017). Sau tổng kết, Bộ Quốc phòng tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật BPVN, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 24-7-2019, Bộ Quốc phòng triển khai nhiệm vụ soạn thảo.
Từ tháng 8 đến tháng 11-2019, Bộ Quốc phòng đã tổ chức soạn thảo và lấy ý kiến tham gia hồ sơ dự án luật ở các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, 19 bộ, ngành, 44 tỉnh, thành phố biên giới, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội thảo tại các đơn vị BĐBP, các địa phương ở 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện, xã của 17 tỉnh biên giới, đơn vị lực lượng vũ trang; lấy ý kiến bằng phiếu khảo sát 945 phiếu, trong đó, 932/945 phiếu (chiếm 98,62%) nhất trí với tên gọi Luật BPVN.
Ngày 25-11-2019, Bộ Quốc phòng hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Ngày 19-12-2019, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 266/BC-BTP về thẩm định dự án Luật BPVN. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo trình Chính phủ. Tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2020, Chính phủ và các thành viên thảo luận và thống nhất thông qua. Ngày 25-3-2020, phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với tên dự thảo luật. Ngày 19-5-2020, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có Báo cáo số 1531/BC-UBQPAN14 thẩm tra dự án Luật BPVN để trình Quốc hội.
Dự án Luật BPVN được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, chỉnh lý và xin ý kiến các đoàn đại biểu và các cơ quan của Quốc hội.
Ngày 21-10-2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về những nội dung còn ý kiến khác nhau; đã có hơn 20 ý kiến phát biểu, trong đó, tập trung làm rõ vai trò chủ trì, nòng cốt của BĐBP trong bảo đảm an ninh, trật tự ở KVBG. Ngày 11-11-2020, Luật BPVN được Quốc hội thông qua với 94,61% tổng số đại biểu tán thành. Ngày 25-11-2020, Chủ tịch nước ký Lệnh về việc công bố Luật.
Như vậy, Luật BPVN được xây dựng, ban hành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là sự kiện quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng có liên quan và mọi công dân thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Để nhanh chóng đưa Luật BPVN vào cuộc sống, cần quán triệt các yêu cầu về tổ chức thực hiện như sau:
Tổ chức triển khai thi hành Luật BPVN trên phạm vi cả nước. Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đúng thời gian quy định. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, tính chủ động, tích cực và sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thi hành Luật BPVN.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và mọi công dân trong tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức tốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật BPVN. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đồng thời, lựa chọn, sử dụng các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, hoàn cảnh cụ thể. Chú ý và coi trọng tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Phát thanh, truyền hình, cơ quan thông tấn, báo in, báo điện tử và các phương tiện truyền thông khác.
Mặt khác, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Luật BPVN. Cơ quan có thẩm quyền của BĐBP chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành từ Trung ương đến địa phương liên quan đến quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng BĐBP, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp. Chủ động xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền trình Chính phủ ban hành các nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế và nghị định mới phù hợp với Luật BPVN.
Ngoài ra, tổ chức tốt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong đó, tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý ở Trung ương, địa phương và tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu thực thi nhiệm vụ biên phòng. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị để xác định các nội dung, hình thức tập huấn, bồi dưỡng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật biên phòng.
Nguyễn Văn Huệ