Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo đã được nâng cao

Biên phòng - Sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo; góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển. Phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP, Phó Ban chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng xung quanh vấn đề này.

Trung tướng Đỗ Danh Vượng. Ảnh: Hoa Hạ

- Thưa đồng chí, 5 năm qua, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (sau đây gọi tắt là Đề án) được triển khai hết sức hiệu quả. Theo đồng chí, do những yếu tố nào mà chúng ta đạt được kết quả như vậy?

- Có thể khẳng định rằng, 5 năm qua, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và chủ động, các tỉnh, thành phố biên giới và các đơn vị trong Quân đội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án với nhiều giải pháp cụ thể, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị và đối tượng tuyên truyền. Công tác tuyên truyền, PBGDPL đã được triển khai toàn diện, có trọng tâm, tập trung vào địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự và gắn với công tác vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua triển khai thực hiện Đề án, nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL ở vùng biên giới, hải đảo, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được xây dựng, củng cố cả về số lượng và chất lượng; hệ thống cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, tài liệu tuyên truyền, mạng lưới truyền thanh nội bộ, tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư, thôn bản, đồn Biên phòng được xây dựng, phát huy hiệu quả. Nội dung tuyên truyền được chỉ đạo cụ thể hàng năm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa bàn biên giới; hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, đối tượng tuyên truyền, nhất là nhận thức và phong tục, tập quán của nhân dân.

Vì vậy, nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo được nâng lên, góp phần làm cho tình hình an ninh trật tự ở các xã, phường biên giới, hải đảo ngày càng ổn định hơn; nhiều hủ tục lạc hậu được loại bỏ, tệ nạn xã hội giảm, tình hình di dịch cư tự do được hạn chế đáng kể. Việc chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới được nâng lên; cán bộ và nhân dân đã xác định tốt trách nhiệm tham gia cùng BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; an ninh, trật tự được giữ vững, kinh tế-xã hội có bước phát triển, diện mạo vùng biên giới, hải đảo có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện hơn.

Để có được kết quả đó, trước hết, Đề án luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố biên giới và triển khai quyết liệt của Bộ Tư lệnh BĐBP, Hải quân, Cảnh sát biển và Ban Chỉ đạo Đề án các cấp. Quá trình triển khai Đề án, Cơ quan Thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo Đề án các cấp chủ động, thường xuyên trao đổi, thống nhất nội dung, biện pháp triển khai và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức khảo sát, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động bám sát nội dung, huy động tối đa nguồn lực, nhân lực, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện Đề án, đồng thời, giúp cơ sở khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp mang tính trọng tâm, kế thừa và phát huy kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật.

Bên cạnh đó, ngành Tư pháp đã tích cực phối hợp với BĐBP và các cơ quan, đơn vị Quân đội làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố biên giới triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, tập trung vào địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; xác lập, duy trì cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể với đơn vị lực lượng vũ trang để triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đạt hiệu quả thiết thực. Do đó, tỷ lệ vi phạm pháp luật hằng năm giảm, năm sau thấp hơn năm trước, tiêu biểu một số địa phương như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bạc Liêu...

- Trong quá trình thực hiện, là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng, đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của BĐBP?

- Quá trình thực hiện Đề án, chúng ta đã phát huy được trách nhiệm của hệ thống chính trị trong tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, làm cho mỗi người dân đều được tiếp cận với chủ trương, chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Có được thành công ấy, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng, sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo Đề án các tỉnh, thành phố, sự đồng thuận của người dân và đặc biệt là vai trò của Bộ Tư lệnh BĐBP - Cơ quan Thường trực Đề án.

Với vai trò Cơ quan Thường trực Đề án, Bộ Tư lệnh BĐBP đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Đề án thành chương trình công tác của Ban Chỉ đạo cấp Bộ Quốc phòng, làm cơ sở để Ban Chỉ đạo Đề án các tỉnh, thành phố biên giới, các cơ quan, đơn vị quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện bằng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và đối tượng như: Tuyên truyền miệng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền thông qua cổ động trực quan; thông qua hoạt động “Ngày Pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu, qua hoạt động tư vấn pháp luật, tổ hòa giải; qua hệ thống mạng lưới phát thanh - truyền thanh, tủ sách và phòng đọc cơ sở.

Hàng năm, Ban Chỉ đạo cũng xây dựng kế hoạch chỉ đạo các địa phương, đơn vị với các nội dung tuyên truyền cụ thể, cách thức tiến hành, để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của Đề án trong từng năm. Đồng thời, trên cơ sở đầu tư của Nhà nước, Ban Chỉ đạo đã trang bị, cung cấp đầy đủ tài liệu, trang thiết bị, phương tiện để các cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở có đủ điều kiện thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu của Đề án đặt ra. Ban Chỉ đạo cũng đã tiến hành kiểm tra 22 tỉnh, thành phố, đơn vị lực lượng vũ trang, qua đó, đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện của địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công các hội nghị sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Trên cơ sở đó, phát hiện những cách làm hay, các mô hình, điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng và chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong quá trình tổ chức. Đồng thời, đánh giá chính xác, khách quan kết quả triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL và đề xuất những giải pháp tổng thể, góp phần hạn chế, tiến tới giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến mua bán ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép..., đảm bảo để Đề án được triển khai một cách sâu rộng, hiệu quả nhất.

Tại các địa phương, với vai trò là cơ quan nòng cốt trong thực hiện Đề án, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố mở các lớp tập huấn kiến thức nghiệp vụ về biên giới cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, xã biên giới. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành trực tiếp mở các lớp tập huấn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân các xã biên giới; tổ chức phát động phong trào: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”; xây dựng, nhân rộng các mô hình: “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”; “Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm ma túy”; “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “Tiếng kẻng vùng biên”; “Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biển”...

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, BĐBP các tỉnh, thành phố đã kịp thời tham mưu cho các Tỉnh, Thành ủy ban hành các chủ trương, biện pháp lãnh đạo và chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép”, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định phòng, chống dịch, không tham gia, tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đồng Văn, BĐBP Hà Giang phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương thực hiện đợt ra quân tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn bằng mô hình "Tiếng loa Biên phòng". Ảnh: Xuân Minh

- Trong quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, PBGDPL. Đề nghị đồng chí nói cụ thể hơn về vấn đề này?

- Quá trình thực hiện Đề án, các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp với cơ quan, đoàn thể ở địa phương phát động và tổ chức hơn 100 cuộc thi trực tiếp và trực tuyến tìm hiểu pháp luật, thu hút hàng vạn lượt người tham gia. Đặc biệt, năm 2021, hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, có hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia, qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, phát huy quyền, nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia ngày hội bầu cử toàn dân, góp phần vào thành công cuộc bầu cử của cả nước. Các cuộc thi tìm hiểu, liên hoan tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa, văn nghệ cũng mang lại không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi tại cơ sở, tạo thêm hình thức sinh hoạt chính trị - tinh thần cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo.

Đối với các đồn Biên phòng và các xã, phường biên giới, các đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động các trung tâm tư vấn, các câu lạc bộ pháp luật ở các xã biên giới để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, hỏi đáp về những vấn đề pháp luật của quần chúng nhân dân trên địa bàn. Kết quả, đã tư vấn pháp luật cho trên 20 nghìn lượt người dân, góp phần hòa giải thành công từ 65 đến 75% các vụ tranh chấp, vi phạm trong cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, các đồn Biên phòng còn phối hợp với địa phương xây dựng các tủ sách pháp luật để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, nhân dân, cũng như các túi sách pháp luật lưu động để phục vụ bà con đi làm nương rẫy và ngư dân đi biển dài ngày hoặc các cụm dân cư xa xôi, hẻo lánh trên vùng biên giới. Đã xây dựng 1.084 tủ sách ở các địa phương, trên 1.000 tủ sách ở các đơn vị Quân đội, Công an đứng chân trên địa bàn biên giới. Bình quân mỗi tủ sách có từ 1.000 đến 3.000 cuốn sách và báo, tạp chí các loại.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học cũng được đẩy mạnh thông qua triển lãm, trưng bày sách, ảnh; triển khai tích cực các mô hình “Biên giới với học đường”, “Tiết học vùng biên”, “Giờ học biên giới”; tổ chức các giờ học pháp luật cho học sinh và sinh hoạt ngoại khóa, tham quan đường biên, cột mốc biên giới... Nhờ vậy, đã tuyên truyền sâu, rộng cho giáo viên, học sinh các văn bản pháp luật về biên giới, lịch sử, truyền thống bảo vệ biên giới của ông cha ta; xây dựng cho các em học sinh ý thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị cũng quan tâm tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, các hoạt động đối thoại với nhân dân. Đưa các vụ án điển hình ra xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự ở vùng biên giới, hải đảo. Thông qua đó, giáo dục tinh thần thượng tôn, tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời, răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm... Các đồn Biên phòng đã tham mưu, phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Cụm kết nghĩa dân cư hai bên biên giới”; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu các nước láng giềng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới pháp luật về biên giới, Luật xuất, nhập cảnh..., góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân hai bên biên giới để chung tay quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư và các Quân khu đã làm tốt công tác tổng hợp, dự báo tình hình, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá và ngư dân hành nghề trên biển, vận động chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân ký cam kết không đến vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Tăng cường tuần tra, kiểm soát các vùng biển được phân công, nhất là vùng biển có tranh chấp, vùng chồng lấn, vùng nước lịch sử và khu vực “nhạy cảm”; chủ động bảo vệ, hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi, bám biển và ngăn chặn các trường hợp khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng với các hình thức, biện pháp tuyên truyền nêu trên, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai hoạt động tuyên truyền, PBGDPL vào các dịp kỷ niệm trọng đại, các sự kiện chính trị của đất nước nhằm kết hợp tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi hoạt động xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

- Qua triển khai thực hiện Đề án, ý nghĩa lớn nhất mà Đề án mang lại cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo thời gian qua là gì, thưa đồng chí?

- Có thể thấy rõ, thông qua thực hiện Đề án, nhận thức về pháp luật của cán bộ và nhân dân biên giới, hải đảo được nâng lên, từ đó, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành các quy định của địa phương, đơn vị cũng được nâng cao, do đó, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới ngày càng tốt hơn. Cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo xác định rõ và tham gia tích cực, thực hiện quyền và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Đề án đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đơn vị Quân đội, Công an, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở và các lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới, hải đảo, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đồng bộ tham gia tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và nhân dân, là nhân tố quan trọng nhất, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, kinh nghiệm này cần được tiếp tục vận dụng trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hương Mai (Thực hiện)

Bình luận

ZALO