Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 04:14 GMT+7

Nhận thức sai lầm

Biên phòng - Nhiều chuyên gia đã phải cảnh báo như vậy trước thực trạng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm chỉ đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2018. Nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm sâu so với cùng kỳ năm 2018 như: Gạo giảm 67,5%, sắn và sản phẩm sắn giảm 9,6%, cà phê giảm 8,9%, rau quả giảm 8,1%...

Rõ ràng nông sản sang Trung Quốc đang gặp nhiều ách tắc do chưa thích nghi được trước nhiều yêu cầu mới từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trước tiên, Trung Quốc chuyển hình thức thương mại tổng hợp sang nhất thể từ ngày 1-6-2019. Hàng hóa của Việt Nam không còn dễ dàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên giới. Nước này cũng thay đổi chính sách thương mại và đưa ra loạt hàng rào kỹ thuật về kiểm soát chất lượng, kiểm dịch an toàn thực phẩm... với nông sản nhập khẩu. 

Chẳng hạn, Trung Quốc đưa ra yêu cầu quả chuối xuất sang nước này phải có hộp đóng gói đầy đủ, in nhãn bằng tiếng Trung; hay với dưa hấu, phía bạn yêu cầu phải dán mã truy xuất nguồn gốc... Hay họ áp hạn ngạch thuế quan và chỉ định cửa khẩu nhập với một số hàng nông sản qua các cửa khẩu nhất định...

Ngoài ra, Trung Quốc đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó, tập trung chấn hưng nông nghiệp, đẩy nhanh diện tích trồng lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản... dẫn đến sản lượng nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam giảm đáng kể.

Thực tế, những quy định, thông tin trên đã được phía Trung Quốc thông báo từ giữa năm 2018, nhưng nhiều doanh nghiệp không nắm bắt hoặc phớt lờ.

Điều đáng lo ngại hơn lại nằm ở phía nội lực sản xuất và cập nhật xu hướng sản xuất hiện đại của nền nông nghiệp trong nước. Nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn giữ phương thức sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng nông sản xuất khẩu ùn ứ và bị ép giá. 

Theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm, xuất phát mấu chốt từ nhận thức chưa đúng đắn về thị trường.

Nhiều doanh nghiệp nhận thức Trung Quốc là thị trường “dễ tính”, từ đó, sản xuất chạy theo số lượng, không quan tâm đến nhu cầu thị trường cụ thể ra sao. Nhiều người còn nghĩ đơn giản thị trường này như chợ biên giới. Vì vậy, khi sản xuất, nuôi trồng tạo ra sản phẩm là đem hàng lên biên giới chào bán, mà chưa quan tâm bán cho ai, đối tác hay người tiêu dùng cần loại hàng như thế nào. Khi không bán được, hàng hóa lại bị đem bán đổ, bán tháo.

Nguy hại nhất là nhận thức xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch, không quan tâm đến nhu cầu, các tiêu chuẩn. Sản phẩm nhiều khi được sử dụng bao bì nhãn mác tùy tiện, bọc lót thô sơ. Doanh nghiệp cũng không quan tâm tìm hiểu xem mặt hàng đã được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch hay chưa mà vẫn đem hàng đi xuất khẩu. Thế nên, hiện mới có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc...

Do thiếu chuyên nghiệp và phụ thuộc nhiều vào tiểu ngạch, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chứa đựng nhiều rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu. 

Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc vẫn là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam, với dung lượng khổng lồ. Hiện nay, thương mại biên giới chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Chúng ta cần nhận thức rằng, thương mại với Trung Quốc không chỉ với các tỉnh giáp biên Vân Nam và Quảng Tây, mà còn với cả 31 tỉnh, thành, khu tự trị của Trung Quốc.

Các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân cần sớm thay đổi tư duy, chuyển sang phương thức sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp thì mới tháo gỡ được các nút thắt và khai thác hiệu quả tối đa tiềm năng thị trường này.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO