Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 06:46 GMT+7

Nhân rộng những cách làm hay trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Biên phòng - Tại Hội nghị tổng kết Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án), do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 12-1, tại Hà Nội, các đại biểu đã chia sẻ nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, kinh nghiệm quý báu trong thực hiện Đề án tại các đơn vị. Phóng viên Báo Biên phòng lược ghi một số ý kiến tham luận tại hội nghị.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn:

Thực hiện Đề án giai đoạn 2017-2021, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Điển hình là mô hình “Tổ thông tin truyền thông” ở các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới do Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn chỉ đạo thành lập. Hằng tháng, các thành viên của Tổ thông tin truyền thông sẽ biên tập các bản tin có thời lượng 25-30 phút với nội dung về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; an ninh, trật tự ở khu vực biên giới... Các bản tin được phổ biến cho cán bộ, nhân dân trong các cuộc họp, hệ thống loa truyền thanh của địa phương.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Lạng Sơn cũng phát huy sức sáng tạo với nhiều mô hình như: “Công an lắng nghe ý kiến của người dân”, “Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” của Công an tỉnh Lạng Sơn; “Hải quan và Doanh nghiệp” của Cục Hải quan Lạng Sơn; “Cán bộ, đoàn viên xã biên giới nói không với ma túy”; “Đoàn viên, thanh niên đi đầu trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh thôn, bản” của tuổi trẻ Lạng Sơn; “Phụ nữ biên giới xây dựng mái ấm bình yên”, “Phòng, chống bạo lực gia đình” của phụ nữ tỉnh Lạng Sơn... Các mô hình trên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, khơi dậy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, chủ động, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn biên giới.

Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy BĐBP Điện Biên:

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Điện Biên, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương triển khai Đề án. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới; xét xử lưu động một số vụ án hình sự ở các xã biên giới và đạt được kết quả quan trọng, giúp cho cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế các vụ vi phạm pháp luật xảy ra ở địa bàn biên giới.

Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp tuyên truyền sát với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và từng đối tượng, địa bàn. Cụ thể, tổ chức tuyên truyền, PBGDPL lồng ghép trong các hội nghị, các cuộc họp của địa phương; phối hợp với các nhà trường trên địa bàn biên giới thực hiện mô hình “Biên giới, pháp luật với học đường” và duy trì thường xuyên mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án về pháp luật” trong các cơ quan, đơn vị BĐBP...

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk:

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã cụ thể hóa Đề án bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, vì vậy, tình hình an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật, nhất là việc khiếu kiện đông người, vượt cấp của một số hộ dân ở 2 xã Ia Lốp và Ia Rvê đã giảm thiểu. Năm 2019, có 19 hộ có đơn thư, khiếu kiện, năm 2020, không còn xảy ra đơn thư khiếu kiện đông người, vượt cấp. UNBD huyện Ea Súp cũng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập các đoàn công tác của 14 sở, ngành đến các địa bàn tiếp xúc, đối thoại, tuyên truyền, PBGDPL, tháo gỡ vướng mắc cho các hộ dân, không để tình hình phức tạp.

UBND huyện Ea Súp đã thành lập các tổ công tác liên ngành phối hợp với Ủy ban MTTQ, đoàn thể của địa phương tổ chức tuyên truyền, PBGDPL tập trung và đến từng hộ gia đình. Đồng thời, phát huy các mô hình: Câu lạc bộ “Phụ nữ không vi phạm pháp luật”, “Thôn không có đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật”. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP đã chủ động tiến hành nghiên cứu, đánh giá, nắm tình hình dư luận, điều tra, xác định rõ bản chất vụ việc; phân loại, nắm chắc đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thời gian, địa điểm các hộ dân tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp để tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; kết hợp đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu đãi giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các lực lượng đã tuyên truyền, vận động, giải thích, giúp nhân dân nhận thức được đúng - sai, không tổ chức khiếu kiện vượt cấp. Qua tuyên truyền, nhiều trường hợp đã trở thành quần chúng tốt, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho chính quyền địa phương và lực lượng BĐBP xử lý tốt các vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Bà Cao Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh:

Thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án thị xã Duyên Hải đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình PBGDPL như: “Phân công báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền, PBGDPL, trợ giúp pháp lý tại các điểm ấp”, “Tiếng loa Biên phòng”... Từ các mô hình, các đơn vị đã kịp thời thông tin, truyền đạt các nội dung pháp luật đến từng người dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền nắm và giải quyết. Mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dễ dàng nắm rõ và nhớ lâu hơn, có sự hiểu biết sâu sắc hơn những vấn đề về chính trị, truyền thống và pháp luật; được giải đáp một cách thỏa đáng những thắc mắc.

Đặc biệt, mô hình “PBGDPL gắn với xây dựng nông thôn mới” đã tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, quy định pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân; các nội dung liên quan tới phòng, chống tệ nạn xã hội ở khu vực biên giới. Nhờ phát huy hiệu quả các câu lạc bộ và mô hình tuyên truyền, PBGDPL mà tình hình vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới biển của địa phương giảm xuống đáng kể.

Thùy Trang-CTV (thực hiện)

Bình luận

ZALO