Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 05:03 GMT+7

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Vun đắp mái ấm cho dân

Biên phòng - Rào Tre một ngày mới, không còn cảnh những người đàn ông ngả nghiêng trong cơn say, những vụ ẩu đả vì rượu...; không còn những người phụ nữ khóc rấm rứt sau những trận đòn của chồng mình... Mái ấm gia đình dẫu còn đó những khó khăn nhưng tình yêu thương, trách nhiệm và sự sẻ chia đã phần nào sưởi ấm lòng người, cùng nhau vun đắp cuộc sống mới... Và ở Rào Tre, những nữ quân nhân Biên phòng vẫn lặng lẽ đi về như con thoi dệt sợi, mang no ấm, bình yên cho mảnh đất này và kết nối yêu thương cho bao người.

Hội viên Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh hướng dẫn người dân tại bản Rào Tre thâm canh lúa nước. Ảnh: Thanh Giang

Với mô hình trồng lúa nước, cam, bưởi, chuối, sắn kết hợp chăn nuôi bò, giờ đây, gia đình vợ chồng anh Hồ Hải và chị Hồ Thị Hợi được xem là hộ phát triển kinh tế khá trong bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Từng là một người ăn chơi đua đòi, suốt ngày tụ tập rượu chè với đám bạn trong bản và sau những cuộc rượu, Hải thường đánh đập, đuổi vợ, con ra khỏi nhà. Từ khi có cán bộ Biên phòng “cắm bản” và cán bộ Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh trực tiếp đến tuyên truyền, Hồ Hải ngày càng hiểu ra vấn đề, cần cù, chăm chỉ làm ăn và dành tình yêu thương cho vợ, con.

Anh Hồ Hải tâm sự: “Trước đây, bản thân tôi nghiện rượu và hay đánh, mắng vợ, con. Nhờ các chị và các chú Biên phòng đến tuyên truyền, giờ đây, tôi không còn như vậy nữa”. Còn chị Hồ Thị Hợi vui mừng chia sẻ: “Bây giờ, anh Hải thay đổi rất nhiều, không còn uống rượu say, rồi đánh vợ, con như trước nữa, mà ngược lại, anh chăm chỉ làm ăn, điều đó khiến em rất mừng”.

Có nhiều lý do khiến những người đàn ông ở Rào Tre đắm chìm trong “ma men”, bỏ mặc gia đình, ruộng nương, chẳng hạn như: Không có việc làm là uống rượu...; buồn quá cũng uống rượu...; vui quá cũng uống rượu...; đói quá cũng uống rượu... “Vậy nên, những vụ ẩu đả gây mất an ninh, trật tự thôn, bản hay tình trạng bạo lực gia đình thường xuất phát sau những cuộc nhậu say xỉn” - chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre cho biết.

Thay đổi một con người không đơn giản, huống chi thay đổi cả một cộng đồng, bởi đây là bài toán khó đối với những người lính Biên phòng “cắm bản” ở Rào Tre. Nhưng không phải thấy khó mà không làm, bao năm qua, người dân ở Rào Tre đã thấy hình ảnh cán bộ Biên phòng ngày đêm đến nhà dân để tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình và vận động nhân dân xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Trong căn nhà “Đại đoàn kết” vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh trao tặng, vợ chồng Hồ Thị X và Hồ Văn S cũng ẩn chứa một câu chuyện buồn. Hơn 5 năm qua, chị X vò võ nuôi dạy đứa con không biết ngồi, không biết nói và khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm. Tiếng vỗ về, à ơi... lúc nào cũng nghèn nghẹn. Đây là kết quả của mối tình không trọn vẹn của chị X với người em con bà cô. Do nhận thức hạn chế, giờ đây, hơn ai hết, vợ chồng chị thấm thía được nỗi đau và hậu quả của cuộc hôn nhân cận huyết thống.

Chị Hồ Thị X chia sẻ: “Trước đây, em nghĩ lấy chồng là anh em họ hàng sẽ dễ gần hơn, không sợ bị đánh đập, nhưng kết quả là sinh con ra bị dị tật. Em thật buồn! Giờ em chỉ mong con được khỏe mạnh”.

Được biết, ở Rào Tre có 45 hộ với 157 nhân khẩu, trong đó, chênh lệch giới tính đang ở mức báo động. Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, họ cũng chỉ biết ngó từ nóc nhà này sang gác bếp khác. Đầu làng đến cuối bản, đồng bào Chứt cứ như cây một gốc, nhìn đâu cũng thấy họ hàng nội ngoại. Trước đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều cuộc hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra. Trước thực trạng đó, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp với cán bộ đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn không quản ngày đêm lăn lộn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con.

Để đồng bào nhận thức rõ việc hôn nhân cận huyết thống đã làm thoái hóa giống nòi hay phòng, chống bạo lực gia đình thì phải thuyết phục bà con bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, điều này không hề dễ, bởi đồng bào dân tộc Chứt vốn tự ti, e dè. Đến việc vào làng của người Kinh, dù chỉ cách bản Rào Tre vài cây số, để giao lưu, gặp gỡ cũng phải có các cô, các chú Biên phòng kết nối.

Thiếu tá Phạm Trang Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với tổ công tác Rào Tre tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình; cử cán bộ, hội viên đến từng hộ dân có hành vi bạo lực gia đình để giải thích, hòa giải. Đặc biệt, để ngăn ngừa tình trạng hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi đã làm cấu nối, se duyên cho thanh niên người Chứt với thanh niên các dân tộc khác ở vùng lân cận. Đến nay, chúng tôi đã se duyên cho nhiều cặp đôi và hầu hết đều sống rất hạnh phúc, con cái khỏe mạnh”.

Hội viên Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, phòng, chống bạo lực gia đình cho đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Ảnh: Thanh Giang

Từ việc làm của BĐBP, nhiều đôi lứa đã thắm duyên trên đất biên cương. Điển hình là Hồ Thị Đình Mai kết duyên cùng Lê Xuân Công; Hồ Thị Duyên kết duyên cùng Nguyễn Đình Nhân; Hồ Thị Đình Xuân đến làm dâu trong gia đình Võ Quốc Ánh. Đó là những chàng trai dân tộc Kinh đầu tiên dám vượt qua mọi định kiến, mọi mặc cảm, những trăn trở, âu lo của người thân để xây đắp hạnh phúc cùng những cô gái dân tộc Chứt ở bản Rào Tre...

Ông Đậu Xuân Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hương Liên cho biết: “Đến thời điểm này, ở bản Rào Tre, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, được chăm sóc sức khỏe. Tình trạng bạo hành cũng như vấn đề hôn nhân cận huyết thông không còn xảy ra nữa, đây là một trong những thành quả có vai trò rất lớn của cán bộ Biên phòng, đặc biệt là cán bộ Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh”.

Vun đắp, se duyên hạnh phúc được đã khó, giữ được hạnh phúc cho các nam, nữ thanh niên người dân tộc thiểu số còn vất vả hơn nhiều. Nỗi lo sinh kế lâu dài cho những đôi vợ chồng trẻ ấy lại đặt lên đôi vai người lính Biên phòng. Những ngôi nhà mới được xây dựng, những mô hình chăn nuôi mới được hỗ trợ, ưu tiên vay vốn..., những chính sách này đã kịp thời thắp sáng niềm tin, tiếp thêm nghị lực cho các gia đình trẻ phấn đấu vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Thế Mạnh - Thanh Giang

Bình luận

ZALO