Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Nhấn mạnh lập trường thượng tôn luật pháp quốc tế trên Biển Đông

Biên phòng - Theo giới chuyên gia quốc tế, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết các thách thức bất ổn và tạo dựng hòa bình, ổn định trên Biển Đông là sự ràng buộc pháp lý quốc tế. Đây cũng là nội dung quan trọng hàng đầu của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được các bên liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán.

Đảo Đá Lát thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nêu cao giải pháp hòa bình

Chính quyền Philippines gần đây cho biết, nước này đang hướng tới mục tiêu thành lập lực lượng dân quân biển nhằm bảo vệ lợi ích của Philippines tại các vùng biển, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Động thái này được đánh giá là nằm trong nỗ lực củng cố lực lượng quốc phòng của Philippines.

Phó Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo, Tư lệnh hải quân Philippines cho biết, biện pháp tạm thời này được thực hiện nhằm bù lấp “khoảng trống” mà lực lượng hải quân và cảnh sát biển của nước này chưa làm được. Phó Đô đốc Bacordo khẳng định, dự tính có 240 dân quân biển thực hiện tuần tra và bảo vệ ngư dân. Lực lượng này sẽ được thành lập dựa trên nỗ lực hợp tác chung, không được trang bị vũ trang và chỉ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra.

Trong tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tái khẳng định lập trường thượng tôn pháp luật quốc tế của nước này, đồng thời khẳng định không cho phép bất kì hành động vi phạm pháp luật quốc tế nào trên vùng biển của mình. Trước đó, trong cuộc hội đàm trực tuyến đầu tiên với tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định, nước này ủng hộ tối đa cho tự do hàng hải ở Biển Đông. Philippines kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng mọi hành động gây bất ổn cũng như đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực.

Mới đây, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, dù nước này đang vật lộn với đại dịch Covid-19 nhưng vẫn chú trọng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Trong nỗ lực đó, Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bác bỏ mọi yêu sách phi lý làm suy yếu luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Indonesia cùng các quốc gia ASEAN nhất quán lập trường vững chắc, phù hợp với UNCLOS 1982 thông qua các công hàm ngoại giao gửi lên Ủy ban Liên hợp quốc về ranh giới của thềm lục địa.

Bà Marsudi nhấn mạnh, ngoại giao có tác dụng ngăn chặn các hành động gây tổn hại và các quá trình đàm phán của nước này về tranh chấp chủ quyền thời gian gần đây đã đạt được nhiều tiến triển tích cực. Indonesia đang cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao bền vững với các quốc gia bằng cách ưu tiên tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Ngoại trưởng Marsudi cũng bày tỏ mong muốn khu vực Biển Đông giữ vững hòa bình, ổn định, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.

Campuchia vừa qua cũng đưa ra lời kêu gọi các nước ngoài khu vực tránh các hành động khiêu khích và nhấn mạnh giải pháp hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp. Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong mong muốn các quốc gia bên ngoài khu vực đánh giá đúng mức độ các diễn biến phức tạp tại Biển Đông và kêu gọi đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, ổn định khu vực.

Quốc tế nhất quán lập trường

Trong chuyến thăm chính thức Philippines vào cuối tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định quan điểm của nước này về việc giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình, kiên quyết ngăn chặn sử dụng vũ lực.

Trước đó, bà Reynolds cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố trong cuộc họp báo sau hội đàm rằng, Nhật Bản và Australia đã đồng ý tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông trong bối cảnh có những quan ngại về các hành động đơn phương gây mất ổn định. Hai nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Đối với lập trường của Nhật Bản, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã kêu gọi tất cả các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông bình tĩnh để giải quyết xung đột một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, chính phủ Nhật Bản ưu tiên hòa bình và thịnh vượng trong khu vực cũng như tự do và tôn trọng pháp quyền ở Biển Đông.

Chiến sĩ Hải quân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng là xu thế chung của thời đại, là nguyện vọng và lợi ích căn bản của các nước; khẳng định các nước cần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Theo các nhà quan sát tình hình Biển Đông, sự hiện diện quân sự tại khu vực này đang cho thấy diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tất cả các bên liên quan đều khẳng định rằng, giải pháp hòa bình, không sử dụng vụ lực là “chìa khóa” duy nhất để giải quyết bất đồng nên việc hiện diện quân sự trên Biển Đông chỉ nhằm tạo đối trọng cân bằng, ngăn chặn các hành vi bạo lực.

Theo Giáo sư James Kraska (chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế - Đại học Hải chiến Mỹ), thời gian vừa qua ghi nhận nhiều công hàm gửi Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông đang tạo nên hy vọng trong việc giải quyết tốt đẹp các bất ổn. Theo Giáo sư luật quốc tế Jonathan G.Odom thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức), Công hàm chung của Anh, Pháp, Đức trình Liên hợp quốc về Biển Đông vừa qua là một bước tiến tích cực trong nỗ lực gìn giữ hòa bình, ổn định Biển Đông.

Các chuyên gia luật biển quốc tế cũng chỉ ra rằng, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết các thách thức bất ổn và tạo dựng hòa bình, ổn định trên Biển Đông là sự ràng buộc pháp lý quốc tế. Đây cũng là một trong những phương châm hàng đầu trong việc xây dựng COC.

Giáo sư Odom cho rằng, ASEAN với vai trò trung tâm tại khu vực Biển Đông sẽ cần tiếp tục duy trì nỗ lực đàm phán nhằm đạt được sự ràng buộc pháp lý. Chắc chắn, để hài hòa lợi ích của tất cả các bên là không dễ dàng nên cần thêm nhiều thời gian và công sức. COC phải ràng buộc pháp lý để có thể đi sự thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là tránh việc COC chỉ là một bản tuyên bố mang tính chính trị đơn thuần.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO