Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Nhân lực chuyển đổi số

Biên phòng - Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực.

HÌnh ảnh minh họa.

Báo cáo thị trường IT Việt Nam - TechHiring 2022 cho thấy, Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực trong ngành CNTT. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng nhân sự giỏi trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Crypto và Chuỗi khối (Blockchain). Ước tính, nhu cầu tuyển dụng lên tới 10.000 vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, kỹ sư phần mềm, lập trình viên NET, quản trị viên hệ thống CNTT, kiến trúc sư điện toán đám mây...

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực CNTT và truyền thông có doanh thu đạt khoảng 77 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế dù cho phải chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch.

Nhiều chuyên gia nhận định, lĩnh vực CNTT sẽ tăng trưởng 2 con số trong năm 2022. Bởi, CNTT là ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 nên vẫn là ngành sôi động nhất trên thị trường lao động khi các doanh nghiệp công nghệ vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển kinh doanh.Các tổ chức công nghệ quốc tế đánh giá, Việt Nam đang có một nguồn nhân lực CNTT đầy hứa hẹn về chất lượng cũng như thị trường tiềm năng và tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2021, lập trình viên Việt Nam thuộc Top 6 các quốc gia hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm. Đồng thời, Việt Nam là một trong hai điểm đến gia công phần mềm hàng đầu ở Đông Nam Á.

Điều quan trọng nằm ở các kế hoạch, chiến lược về đầu tư, phát triển và định hướng cho nguồn lực này nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức làm việc cũng như mô hình lao động. Các doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, dệt may, chế tạo… nay đã chuyển đổi số và bước vào mô hình thương mại điện tử. Cùng với đó, đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT Việt Nam mở rộng và trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Mặt khác, làn sóng đầu tư tài chính cá nhân như NFT, Blockchain, chứng khoán đang ngày càng mạnh mẽ, khiến một bộ phận lao động CNTT tách ra khỏi thị trường và theo đuổi những lĩnh vực này như một công việc chính.

Giải bài toán về thiếu hụt nhân lực CNTT đang thực sự nan giải, khi khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo về CNTT mới chỉ được khoảng 40% nhu cầu của thị trường.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, để tuyển dụng một nhân sự CNTT chất lượng cao rất khó khăn, nhiều khi đưa ra mức lương cao (thu nhập bình quân trên 1.200 USD/tháng) cũng không tìm được người thích hợp. Do đó, doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sang những sinh viên mới ra trường, hoặc nhân sự có trình độ thấp hơn nhưng hầu hết đều cần đào tạo lại mới có thể bắt tay vào công việc.

Theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt là tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để lấp đầy số lượng nhân sự đang thiếu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có sự tăng tốc đầu tư vào nền tảng công nghệ để đáp ứng kịp thời những yêu cầu từ phía nhân tài IT, có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về lâu dài, ngành lao động cần có các chính sách bài bản, căn cơ trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hội nhập bền vững. Trong đó, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo CNTT, tập trung đào tạo bổ sung nhân lực cho một số ngành, lĩnh vực dự báo sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực công nghệ như tài chính, ngân hàng, truyền thông, logistic…

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO