Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 12:28 GMT+7

Nhân lên niềm tự hào của những nhà báo - chiến sĩ

Biên phòng - Với đặc thù công việc nghề báo, phóng viên Báo Biên phòng không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo để tạo ra những tác phẩm báo chí có hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Những tác phẩm tâm huyết của các phóng viên Báo Biên phòng được nhận các giải thưởng báo chí uy tín, qua đó đã nhân lên niềm tự hào của những nhà báo-chiến sĩ. Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các phóng viên Báo Biên phòng đã có những chia sẻ xung quanh chuyện nghề.

Đại tá - Nhà báo Đăng Bảy: Sự hy sinh của người lính mang quân hàm xanh đã tạo nên chất "xúc tác" để sáng tạo tác phẩm báo chí.

Tối 21-6-2019, tại Hà Nội, tác phẩm Xây “cột mốc lòng dân” nơi đại ngàn Tây Nguyên được tôn vinh tại lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Đây là sản phẩm mà tôi và 2 Đại tá, nhà báo Tô Đình Kháng, Phan Hồ Đăng (Tạp chí Quốc phòng toàn dân) ấp ủ, thực hiện trong một khoảng thời gian khá dài. Trước đó, tác phẩm này cũng đã vinh dự nhận giải B tại cuộc thi “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

Tiếp đà “thắng lợi” này, tôi cùng 2 nhà báo Tô Đình Kháng và Phan Hồ Đăng tổ chức tiếp loạt bài Dựng “phên dậu” nơi đầu sóng ngọn gió. Tác phẩm 3 kỳ này đã được nhận Giải báo chí quốc gia về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng). Trong niềm vui khi bước lên bục danh dự nhận giải thưởng, tôi chợt nhớ tới đồng đội, bạn bè đang ở trên biên giới. Các anh để lại gia đình, vợ con phía sau để đến với Tây Nguyên, Tây Nam bộ, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân địa phương. Những việc làm đó của các anh không chỉ góp phần củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, chế độ, cấp ủy, chính quyền địa phương..., mà còn giúp đồng bào yên tâm gắn bó với biên giới, vùng biển. Chính những công việc, sự hy sinh thầm lặng của người lính mang quân hàm xanh đã tạo nên chất “xúc tác”, là “bột”, là “hồ” để những người “thợ chữ” chúng tôi sắp xếp lại thành tác phẩm báo chí và được vinh danh!

Thiếu tá - Nhà báo Lê Văn Luận: Công phu "đãi cát tìm vàng" mới có được thành quả xứng đáng.

Tối 21-6 năm nay, tôi vinh dự được trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2019 với loạt phóng sự 4 kỳ “Giải cứu” nghề câu cá ngừ đại dương. Vậy là 2 năm liền, tôi đoạt Giải Báo chí Quốc gia (năm 2018 là loạt bài “Uy lực” giữa Biển Đông). Để viết nên loạt phóng sự 4 kỳ này, tôi phải đóng vai một ngư dân đi lao động trên tàu câu cá ngừ ở giữa Biển Đông suốt 25 ngày, nếm trải sóng gió trong hoạt động thực tiễn với ngư dân. Khi ngư dân nhìn thấy nhà báo đã vào cùng “hội” với họ, họ sẽ kể ra được những câu chuyện độc đáo, chi tiết đắt giá. Đây được xem là “linh hồn” của báo chí.

Vào đất liền, tôi tiếp tục hành trình đi đến tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa gặp rất nhiều ngư dân để tìm hiểu, ra Hà Nội gặp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; rồi gặp lãnh đạo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, các doanh nghiệp thu mua và chế biến cá ngừ... chỉ để xoáy sâu 4 vấn đề cốt cõi mà tôi đã vạch ra trước đó. Cách thể hiện bài viết một cách tự nhiên, giống như đang diễn ra ở thực tiễn, chỉ có điều mình khéo sắp xếp những chứng cứ thuyết phục, những lập luận chặt chẽ, lôi cuốn người đọc.

Đại úy - Nhà báo Nguyễn Viết Lam: Muốn trở thành nhà báo giởi trước hết phải là công dân tốt!.

Tôi luôn quan niệm rằng, muốn trở thành nhà báo giỏi trước hết phải là công dân tốt. Trong năm 2019, tác phẩm Điểm tựa vững chắc của học sinh vùng khó của tôi đạt giải B Giải Báo chí toàn quốc viết về sự nghiệp giáo dục. Tác phẩm nói về sự đổi thay của ngành giáo dục thuộc các huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Nghệ An kể từ khi các trường học dân tộc bán trú được thành lập. Từ khi xuất hiện, trường học bán trú với những đặc tính ưu việt của mình đã góp phần chặn đứng hoàn toàn “cơn lốc” học sinh bỏ học ở miền Tây Nghệ An vốn kéo dài dai dẳng hàng chục năm trời.

Tôi đã hoàn thành tác phẩm dự thi dài 3 kỳ chỉ sau 3 ngày tác nghiệp thực tế ở địa bàn. Thế nhưng để có được tác phẩm báo chí đó, tôi đã mất cả quá trình dài theo dõi vấn đề, tham khảo ý kiến của rất nhiều thầy, cô giáo công tác lâu năm ở các trường học thuộc địa bàn. Trong tác phẩm, tôi đã đề cập sự thay đổi của những em học sinh vốn có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, tàn tật...). Tôi rất cảm động khi bên lề lễ trao giải, một nhà báo lão thành thuộc Hội đồng giám khảo của cuộc thi đã nói rằng: “Trong quá trình đọc và chấm tác phẩm của cậu, tôi đã không cầm được nước mắt”.

Nhà báo Lê Văn Đồng: Chọn đề tài vì xót xa trước những bất công, chà đạp phụ nữ:

Đề tài về hoạt động của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới thời gian qua đang làm nóng dư luận xã hội. Đau đớn hơn cả là các đối tượng sẵn sàng lừa bán cả chính người thân của mình. Trong sâu thẳm lòng mình, nạn nhân vẫn luôn đau đáu nỗi oán hận người thân, cam chịu mà không dám tố giác tội phạm. Còn nhiều trường hợp bị dụ dỗ, khống chế, bắt cóc để bán sang Trung Quốc làm nô lệ tình dục. Chưa hết, các đối tượng thường dùng vũ lực “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với các nạn nhân.

Chính vì xót xa trước những bất công, sự chà đạp lên nhân phẩm, danh dự, tinh thần của những người phụ nữ đang phải chịu nhiều thiệt thòi nên tôi đã quyết tâm chọn đề tài “Nóng bỏng tội phạm mua bán người qua biên giới”. Thông qua việc cảm nhận những mảng “sáng”, “tối” trên khu vực biên giới tỉnh Hà Giang và khu vực biên giới tỉnh Lào Cai, tôi đã đưa vấn đề ra ánh sáng và được dư luận đánh giá cao. Tác phẩm đã đoạt Giải Báo chí Quốc gia năm 2018.

Nguyên Thanh (Thực hiện)

Bình luận

ZALO