Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 01:05 GMT+7

Nhận diện văn hóa lễ hội

Biên phòng - Việt Nam là quốc gia có nhiều lễ hội vào bậc nhất vùng Đông Nam Á. Lễ hội Việt Nam trải khắp các vùng miền, dân tộc, các mùa vụ trong năm, trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng sâu đậm trong đời sống con người từ bao đời cho đến ngày nay.

 3129.gif
 Lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ. Ảnh: Internet

Các tỉnh khu vực phía Bắc tập trung nhiều lễ hội có quy mô từ làng, xã đến quy mô quốc gia và mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền, dân tộc. Tiêu biểu là Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành Quốc lễ, được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức đúng với quy mô Quốc lễ, thu hút nhân dân cả nước và kiều bào hướng về cội nguồn dân tộc. Các lễ hội lớn như Chùa Hương (Hà Nội), Hội Lim (Bắc Ninh), Phủ Dầy (Nam Định), Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh)...

Khu vực các tỉnh miền Trung tổ chức tốt lễ hội Cầu ngư của cư dân ven biển gắn kết nghi thức dân gian với ý nghĩa ngày hội nghề nghiệp. Lễ hội Cầu ngư xã Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; lễ hội Quan Thế Âm (thành phố Đà Nẵng); hội Vật làng Sình (Thừa Thiên Huế); lễ hội Dinh Thầy, Thím (La Gi, Bình Thuận)... Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) được nâng cấp về quy mô, tổ chức chu đáo có ý nghĩa khẳng định chủ quyền lãnh thổ qua nghi lễ truyền thống mang màu sắc tâm linh tri ân tiền nhân hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Khu vực các tỉnh phía Nam có nhiều lễ hội lớn được tổ chức tốt như lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh); lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang); lễ hội Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Sông Đốc, Cà Mau) lễ hội Nghinh Ông (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh). Đáng chú ý là lễ hội đền Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang) có quy mô lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa và quảng bá du lịch qua tái hiện chiến công của cụ Nguyễn Trung Trực.

Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức theo nghi thức truyền thống và khôi phục các trò chơi dân gian như lễ hội Lồng Tồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng các tỉnh phía Bắc; lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận; lễ hội Ăn trâu, mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; lễ hội Chol Thnăm Thmây của đồng bào Khmer các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang. Nhiều lễ hội đặc sắc được phục dựng như lễ hội Đập trống của người Ma Coong (Quảng Bình); lễ hội Nàng Han (Lai Châu); lễ hội Pháo hoa (Cao Bằng); lễ hội Nàng Hai (Lạng Sơn); lễ hội dòng họ Mùa dân tộc Mông (Điên Biên); lễ hội Hao Trôi Va của người Stiêng (Bình Phước); lễ hội Cầu mùa của dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế). Đặc biệt là lễ hội Nào Sồng (Mộc Châu, Sơn La) và Lễ cúng cây thiêng (Bảo Thắng, Lào Cai) của cộng đồng người Mông với nội dung cam kết giữ rừng thiêng, giữ gìn nguồn nước và tổ chức các trò chơi, thể thao dân gian.

Ngoài các lễ hội mang sắc thái truyền thống, phong tục, vào ngày xuân, các địa phương còn tổ chức lễ dâng hương tại các điểm thờ Vua Hùng và thời đại Hùng Vương, như Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt... Bên cạnh đó cũng có nhiều lễ hội lịch sử cách mạng như lễ hội Làng Sen (Nghệ An); lễ hội Đền ơn đáp nghĩa ngày 27-7 (Bà Rịa - Vũng Tàu); lễ hội Uống nước nhớ nguồn tại Nghĩa trang liệt sỹ Anh Sơn (Nghệ An); lễ hội Thống nhất non sông ngày 30-4; lễ hội Thả hoa trên sông Thạch Hãn 27-7 (Quảng Trị)...

Các lễ hội văn hóa - du lịch đã góp phần tạo nên sự phong phú cho lễ hội Việt Nam, với nhiều hoạt động như biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng, hội chợ, thể thao truyền thống và hiện đại, tái hiện hoặc tổ chức lễ hội dân gian, thi trang phục, ẩm thực, triển lãm, hội thảo khoa học, tổ chức các tour, tham quan di tích lịch sử văn hóa, cơ sở du lịch.

Tiêu biểu là Festival Huế và lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” là hai lễ hội văn hóa du lịch lớn đã được Chính phủ cho phép tổ chức định kỳ 2 năm một lần và đã có thương hiệu quốc tế, khẳng định uy tín và thế mạnh của các trung tâm văn hóa có tiềm năng du lịch. Festival Huế đã qua 5 kỳ tổ chức, là diễn đàn sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tiêu biểu gắn với mở rộng giao lưu quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch với nhiều chương trình đặc sắc như: Lễ hội Nam Giao; lễ hội truyền Lô – Vinh quy bái tổ; lễ Đăng quang của Hoàng đế Quang Trung nhân 220 năm Nguyễn Huệ lên ngôi (1788 - 2008).

Tại lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản”, nhiều chương trình có chất lượng như Liên hoan nghệ thuật các nước trong khu vực có di sản thế giới, tái hiện lễ hội dân gian của dân tộc Chăm, Hoa, Cơ Tu. Các lễ hội Du lịch về nguồn do tỉnh Lào Cai - Phú Thọ - Yên Bái liên kết tổ chức; lễ hội du lịch Carnival Hạ Long (Quảng Ninh), lễ hội Làng nghề, phố nghề (Hà Nội) và các Festival Biển Khánh Hòa, Festival Biển Bà Rịa - Vũng Tàu, lễ hội Pháo hoa (Đà Nẵng), Hội Lim quan họ Bắc Ninh, Hội võ vật truyền thống Bình Định và lễ hội Du lịch Quốc gia Mêkông - Cần Thơ... đã quảng bá và phát triển kinh tế gắn với giao lưu, hội nhập và củng cố an ninh - quốc phòng. Một số chương trình lễ hội có chất lượng góp phần nâng cao uy tín các thương hiệu du lịch và sức hấp dẫn của địa phương, thu hút nhiều đoàn quốc tế tham dự.

Cùng với truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, các di sản văn hóa vật thể khác, lễ hội là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quý giá. Vấn đề gìn giữ bản sắc dân tộc và khai thác, phát huy giá trị của lễ hội gắn với phát triển kinh tế là yêu cầu, là thách thức mới trong công tác quản lý và được điều chỉnh, để không ảnh hưởng đến yếu tố văn hóa của lễ hội và không tác động đến hoạt động xã hội nói chung. Làm thế nào để lễ hội phát huy giá trị, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam với vai trò sứ giả văn hóa với quốc tế cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đòi hỏi phải có những biện pháp tích cực và khoa học để hài hòa giữa khôi phục và bảo tồn, giữa bảo tồn và phát huy, giữa phát huy và phát triển để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa. Có như vậy mới thực sự làm cho lễ hội thấm đẫm bản sắc văn hóa làng, văn hóa tộc người, văn hóa địa phương, văn hóa các vùng miền, đất nước, để lễ hội không bị biến dạng và mai một trong cuộc sống.

Ngô Quang Hưng

Bình luận

ZALO