Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Nhận diện những thách thức của nông dân trong thời kỳ hội nhập

Biên phòng - Quá trình đổi mới đã tạo nên một nền nông nghiệp (NN) Việt Nam phát triển thần kỳ với những thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, sinh kế người nông dân (ND) dù được cải thiện vẫn đang ở mức thấp. Không chỉ là đối tượng chịu nhiều rủi ro trong thiên tai, ND đang đứng trước nhiều thách thức, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh.

86re_12a
Nông dân Lý Sơn canh tác tỏi - mặt hàng đang được tỉnh Quảng Ngãi xây dựng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu. Ảnh: Bích Nguyên

Những thách thức đặt ra

Nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển NN nông thôn, Bộ NN và Phát triển nông thôn và ông Đặng Kim Khôi cùng các cộng sự chỉ ra rằng, NN dù đạt được những thành tựu to lớn nhưng được đầu tư rất thấp nên yếu về khả năng cạnh tranh, thấp về năng suất lao động, chưa vượt lên đúng tầm với tiềm năng to lớn của ngành. ND Việt Nam dù vẫn là lực lượng cư dân đông đảo nhất nhưng thu nhập tăng chậm, chất lượng cuộc sống và cơ hội tham gia tương lai thấp hơn đáng kể so với dân đô thị. Kết quả là tiềm năng của tài nguyên con người nông thôn vốn là lợi thế quan trọng nhất của đất nước lại yếu cả về sức khỏe, thể lực, trí tuệ chưa trở thành động lực phát triển đất nước mạnh mẽ.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh chung của hội nhập toàn cầu, người ND sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, những biến động quốc tế cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho người ND trong sản xuất NN cũng như thương mại xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Các yếu tố chính bao gồm: Thị trường nông sản quốc tế tăng; xu hướng thương mại trên thị trường thế giới thay đổi; các thể chế tài chính quốc tế siết chặt vấn đề nợ công; hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra trái chiều; cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ.

Trong đó, hội nhập kinh tế mở ra cơ hội giúp cho NN Việt Nam mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu... Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra các tiêu chuẩn rất cao. Nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt. Những hàng rào thuế quan, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh, xuất xứ hàng hóa là những thách thức mà người ND nếu không thay đổi tư duy sản xuất sẽ không dễ vượt qua.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế NN, Bộ NN và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ có khoảng 70% lao động mất việc làm do tác động của công nghiệp 4.0. “Cánh cửa vàng” do cơ cấu dân số “vàng” mang lại cho Việt Nam đang khép lại. Số lượng người già sẽ tăng vọt lên, 1 người sẽ phải nuôi 4-5 người, trong khi 40% hộ ND không có tích lũy và có cũng chỉ bằng 1/2 so với thành thị. 84% lao động nông thôn không có tiền để dành.

Trong nước, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, già hóa lao động, biến đổi khí hậu cũng tạo ra những thách thức không nhỏ tới tương lai của ND. Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu và ngành NN, nông thôn bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Dự kiến, biến đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng gạo từ 3-9 triệu tấn vào năm 2050, còn các diện tích chuyên canh cà phê năng suất cao cũng sẽ bị tác động nghiêm trọng. Hạ tầng nông thôn như hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường giao thông, khu dân cư bị ngập lụt, xói lở đe dọa.

Xây dựng mô hình phát triển bao trùm

Theo các chuyên gia, trong quá trình phát triển của đất nước hiện nay và tương lai, NN vẫn sẽ là lĩnh vực có lợi thế kinh tế rõ nét nhất, nông thôn là địa bàn rộng lớn nhất và ND là lực lượng xã hội đông đảo nhất. Muốn nắm bắt được những cơ hội và vượt qua thách thức, Nhà nước phải đạt được những đột phá quan trọng trong chủ trương, đường lối, chính sách trên lĩnh vực tam nông, phải đổi mới được mô hình tăng trưởng.

Khuyến nghị về thể chế chính sách, ông Sơn nhấn mạnh, phải tính đến một mô hình phát triển bao trùm mà nhiều nước đã thành công. Đó là mô hình tại địa bàn nông thôn không chỉ có sản xuất NN mà công nghiệp, dịch vụ cũng phát triển. Phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị. “Mô hình tăng trưởng sẽ không phải là đoàn tàu mà sẽ là đoàn xe, tất cả cùng vận động, cùng tăng trưởng. Chúng ta phải đổi mới mô hình phát triển nông thôn song song với mô hình phát triển kinh tế” – Ông Sơn nói, đồng thời cho rằng, sẽ có lực lượng ND sản xuất lớn, lao động phi NN nhưng đó là lao động chính thức, vì vậy phải tổ chức nghiệp đoàn. “Người lao động phải được bảo vệ, được đào tạo và vay vốn” - Ông Sơn  nhấn mạnh.

5ebj_12b
Nông dân Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và cả thách thức trong bối cảnh hội nhập. Ảnh: Bích Nguyên

Với quan điểm ND là chủ thể của quá trình phát triển NN và nông thôn, NN là lợi thế kinh tế chính của Việt Nam, ông Thắng và cộng sự đã đề xuất các giải pháp, đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng chính sách hỗ trợ đột phá để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, đổi mới tổ chức quản lý các ngành hàng nông sản, hình thành Ban điều phối ngành hàng; tận dụng lao động nông thôn trong giai đoạn “cửa sổ vàng” tuổi dân số còn mở. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng cơ chế giảm thiểu/chia sẻ rủi ro với hộ ND. Mặt khác, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, đất đai, tín dụng, đào tạo, liên kết thu hút doanh nghiệp; xây dựng nông thôn mới, trong đó, quan tâm đến môi trường văn hóa, phát triển cộng đồng thôn bản; khoa học công nghệ...

Giáo sư Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện NN cho biết: Năm 2019 là thời điểm bản lề để Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, đất nước sang bước phát triển mới, với những thời cơ và thách thức mới. Trong quá trình biến đổi to lớn đó, ND là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, sẽ chuyển mình thành đội ngũ lao động phi NN hùng hậu và lực lượng thị dân mới trong tương lai. Người ND của nền NN sản xuất lớn, hiện đại sẽ ít hơn về số lượng nhưng sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều về chất lượng. Đây là một quá trình cách mạng to lớn, đầy thử thách phải được dẫn dắt bằng những chính sách và chiến lược phát triển hợp lý.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO