Biên phòng - Sáng 24-7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BVBGQG). Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng...

Chiến lược BVBGQG - Một yêu cầu cấp thiết
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược BVBGQG khẳng định: “Chiến lược BVBGQG có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Đại tướng nhấn mạnh: Sau hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có thành tựu về xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đang tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp BVBGQG của nước ta, đòi hỏi phải chủ động nghiên cứu đánh giá, dự báo đúng tình hình, đề ra đối sách xử lý kịp thời; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh, trong đó có Chiến lược BVBGQG, nhằm chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Từ đầu năm 2017 đến nay, quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là Nghị quyết 24-NQ/TƯ ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, trong đó, giao Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược BVBGQG. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Chiến lược.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP, thay mặt cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược cho biết: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tổ soạn thảo và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương có biên giới tổ chức trao đổi, hội thảo về nội dung Chiến lược bảo đảm đúng chất lượng, đúng tiến độ đề ra.
Tổ soạn thảo đã tổ chức 10 cuộc hội thảo khoa học ở cấp Bộ Tư lệnh BĐBP; xin ý kiến bằng văn bản 23 ban, bộ, ngành Trung ương và 44 tỉnh, thành phố có biên giới; 23 cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; 2 lần báo cáo xin ý kiến Thường vụ Quân ủy Trung ương. Quá trình xây dựng Chiến lược được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, huy động được trí tuệ của đông đảo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học và tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội, BĐBP.
Đặc biệt, Tổ soạn thảo trực tiếp báo cáo xin ý kiến các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Các ý kiến đều đồng thuận, hoan nghênh và đánh giá cao việc chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng Chiến lược BVBGQG của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; đồng thời khẳng định, đây là vấn đề rất cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nói riêng; có cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, có tính khả thi cao.

Cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng
Phát biểu tại hội thảo, các ý kiến tham luận đồng tình và đánh giá cao dự thảo Chiến lược BVBGQG. Trên cơ sở nhận định, đánh giá, dự báo tình hình thế giới, khu vực, tác động đến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và công tác quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam, Chiến lược đã xác định mục tiêu chung là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới trên đất liền, trên biển, đảo của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN và lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu. Tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và quốc gia có vùng biển tiếp giáp với Việt Nam. Xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phòng thủ vững chắc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới và đất nước.
Trong 6 nhóm mục tiêu cụ thể, các đồng chí nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Phạm Văn Trà và Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá cao việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng hệ thống phòng thủ, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đồng bộ, thống nhất trên đất liền, trên biển gồm: Đường biên, mốc giới, cửa khẩu và khu vực biên giới. Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang là nòng cốt, chuyên trách là BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, BVBGQG trong tình hình mới.
Các đại biểu đồng tình cao với quan điểm chỉ đạo: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp BVBGQG. Xây dựng, quản lý, BVBGQG, khu vực biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; trong đó, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là chuyên trách... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở biên giới trên đất liền, trên biển, đảo; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở khu vực biên giới bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam.

Hội thảo cũng nhấn mạnh, làm rõ nhiệm vụ và các nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị xây dựng nền biên phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường; phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, “vừa hợp tác và vừa đấu tranh” nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Kết luận Hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu và khẳng định Chiến lược BVBGQG có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý và BVBGQG. Chiến lược đã nhận định, đánh giá đặc điểm tình hình, đối tượng, tình huống chiến lược; xác định mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, phương thức xây dựng, quản lý, BVBGQG và đề ra nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện Chiến lược.
Trên cơ sở kết quả hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch giao Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh:
“Chiến lược BVBGQG là sự cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; mà trực tiếp là Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược Đối ngoại...; tuân thủ Hiến pháp Việt Nam, luật pháp và các điều ước quốc tế liên quan; là sự kế thừa kinh nghiệm, truyền thống dựng nước, giữ nước và bảo vệ biên cương bờ cõi của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật, phương sách bảo vệ biên giới của các quốc gia trên thế giới.
Nội dung Chiến lược BVBGQG dự báo những vấn đề cơ bản về môi trường chiến lược, gồm tình hình, đối tượng và tình huống chiến lược; xác định mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, phương thức xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đề ra nhiệm vụ các nhóm giải pháp cơ bản và cách thực hiện Chiến lược trong tình hình mới”.
Hoàng Long