Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường: Đôi chân dẫn lối những nẻo đường…

Biên phòng - “Nhà khảo cổ viết nhạc” Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội từng thổ lộ những sáng tác âm nhạc của ông đa phần ra đời sau những chuyến đi khảo cổ và hẳn nhiên những chuyến đi ấy đều dẫn đôi chân ông đến với hầu hết những bản làng vùng sâu, vùng xa, những vùng biên cương tươi đẹp của Tổ quốc.

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (người ngồi) và người thân trong gia đình ông tại buổi ra mắt sách “Nhật ký trên khóa sol”. Ảnh: Ngô Khiêm

Những ngày giữa tháng 4 vừa qua, công chúng yêu nhạc hồ hởi đón nhận sự ra đời cuốn sách “Nhật ký trên khóa sol” (Nhà xuất bản Thanh niên) của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cùng buổi ra mắt ấm áp, nghĩa tình. Cuốn sách như một sự tổng kết, một cuốn nhật ký mà ở đó người đọc có thể hiểu một cách sâu sắc về con đường, sự nghiệp sáng tác và những tác phẩm âm nhạc của người nhạc sĩ quê nhãn Hưng Yên vô cùng đáng mến này.

Có một chi tiết mà tôi khá chú tâm, đó là khi ông kể: “Tôi đi công tác nhiều, đến những vùng xa, vùng sâu đã gặp nhiều hoàn cảnh của con người, chứng kiến nhiều sự việc, sự kiện. Những điều đó gây cho tôi nhiều xúc động. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để tôi viết nhạc. Những kỷ niệm trên các chặng đường công tác lại trở về trong các ca khúc của tôi và đó cũng là lý do tôi chọn đặt tên cho cuốn sách mới nhất của mình là Nhật ký trên khóa sol”.

Thì ra, những tác phẩm âm nhạc của ông được viết sau những chuyến đi nghiên cứu khảo cổ, được thâm nhập thực tế cuộc sống người dân ở các bản làng xa xôi. Như có lần ông vào bản Đắc Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), một địa danh hẻo lánh ở gần ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia thì gặp một cháu nhỏ người dân tộc Brâu khoảng 8 tuổi. Ông hỏi cháu bé: “Lớn lên cháu thích làm nghề gì?”. Cháu bé trả lời rất tự nhiên: “Con chỉ muốn làm cô giáo để sau này dạy cho trẻ em của lũ làng biết đọc, biết viết”.

Một lần khác, ông đến thăm bản Tu San (xã Tù Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) gặp một cháu bé người Mông, cháu cũng nói là: “Cháu thích làm cô giáo vì nơi cháu ở, toàn các chú bộ đội dạy thôi”. Hai câu chuyện ấy cứ in sâu trong tâm can ông để rồi ông đã thổ lộ trong 2 ca khúc thiếu nhi “Con thích làm nghề gì?” và “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”.

Lần giở phần mục lục của cuốn sách, tôi được biết, “Tiếng hát bản Mường” là ca khúc đầu tay của ông, được sáng tác vào năm 1959 khi nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đang là học sinh Trường Phổ thông 3A (nay là Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội). Đó là ca khúc ca ngợi bản Mường, một miền rừng núi biên cương đang ngày càng “thay da đổi thịt”, cuộc sống người dân ngày càng no ấm, đủ đầy là nhờ có Đảng, có Bác Hồ.

Rồi tương tự như vậy là ““Book” Hồ sống mãi với lũ làng” là sự biết ơn của đồng bào các dân tộc anh em ở Tây Nguyên với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bản hợp xướng “Bài ca địa chất” gồm 3 chương: “Tiếng hát trên đèo Lũng Lô”, “Ta cứ đi”, “Niềm vui” cũng được ông viết khá sớm (năm 1965), đó là tiếng lòng của ông khi cảm nhận được sự đồng cảm giữa nghề địa chất và nghề khảo cổ - cùng vất vả với đất, cùng vui sướng khi có những phát hiện từ (dưới) đất...

Ngoài ra, ông cũng có một số sáng tác về những miền biên cương, về đồng bào dân tộc thiểu số, như: “Cô giáo bản Giàng” (năm 1965), “Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa” (năm 2014) và đặc biệt là chuyển soạn ca khúc “Lời ru trên nương” của nhạc sĩ Trần Hoàn (lời thơ: Nguyễn Khoa Điềm) sang hợp xướng 4 bè. Theo đánh giá của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha thì đây là công việc đậm chất khảo cổ học mà ở đó Nguyễn Lân Cường đều hiện diện với cả hai vai trò nhà khảo cổ học và nhạc sĩ để “khảo cổ” lại tác phẩm xưa theo tư duy của riêng mình bằng những chùm âm. Đây hẳn là công việc tốn rất nhiều công sức, trí tuệ bởi để “làm mới” một tác phẩm được coi là kinh điển thực sự chưa khi nào là dễ dàng.

Dễ dàng tìm thấy trong kho sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường có những ca khúc ca ngợi người lính đảo ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. Hẳn nhiên rồi, một người nhạc sĩ có sự nhạy bén với thời cuộc như ông chắc chắn không bỏ qua đề tài hấp dẫn này. “Bài ca về những người lính đảo” (phỏng thơ: Nguyễn Việt Chiến), “Có chúng tôi chiến sĩ Hải quân” là những bài ca như thế.

“Bài ca về những người lính đảo” với giai điệu hơi nhanh, tha thiết, ông như làm khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi người Việt: “Có nơi nào như đất nước chúng ta/ Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/ Khi giặc xâm lăng vạn người con quyết tử/ Có một lần Tổ quốc được sinh ra...”; hay lời trong ca khúc “Có chúng tôi chiến sĩ hải quân”: “Trời xanh xanh thắm mây trôi lững lờ/ Hôm nay trên đảo lời ca rộn vang/ Kìa ngôi sao sáng tươi màu lấp lánh quân kỳ/ Nòng pháo dương cao sẵn sàng ngóng chờ...”.

Tình hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Campuchia đã được nhiều nhạc sĩ chuyển tải trong những sáng tác của mình. Nếu như nhạc sĩ Minh Quang có “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara” đánh dấu thời kỳ quân tình nguyện Việt Nam giúp đất nước Chùa Tháp thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt (năm 1979) thì ngày nay hòa bình đã lập lại, tình hữu nghị, đoàn kết ấy lại càng bền chặt, gắn bó hơn và nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã thể hiện rất rõ điều đó trong “Việt Nam - Campuchia đoàn kết - sammaki” (Lời Khmer: Trần Thanh Pôn). Theo nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường giải nghĩa thì sammaki chính là “đoàn kết”.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO