Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 01:25 GMT+7

Nhạc sĩ Lê Minh và những cung bậc của núi rừng

Biên phòng - Trong những ngày cuối năm 2021, nhạc sĩ Lê Minh đã cho ra mắt Album “Cung bậc của núi rừng” trên kênh YouTube “Lê Minh - Con nhện tìm duyên” của mình. Đó là 9 ca khúc về những vùng núi rừng mà người nhạc sĩ xứ Thanh đã chắt lọc trong từng lời ca, giai điệu qua lời thơ của bạn bè ông, góp thêm những bản nhạc hay về đề tài hết sức hấp dẫn này.

Nhạc sĩ Lê Minh say sưa bên cây đàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Lê Minh vốn là người lính thông tin, ông đã từng sống và chiến đấu ở nhiều vùng núi, được ăn ở, sinh hoạt với đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thế, ông có kiến thức khá dày dặn về âm nhạc của các vùng miền, của cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em. Trong suốt hơn 30 năm qua, ông vừa sáng tác, vừa tham gia công tác giảng dạy tạo nguồn cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nên ông có điều kiện để tiếp xúc với âm nhạc nhiều hơn, để hiểu về âm nhạc các vùng miền nhiều hơn.

Điều khá thú vị là nhạc sĩ Lê Minh ít tự viết lời ca khúc mà thường “mượn” lời thơ, ý thơ của bạn bè để phổ nhạc. Và 9 bài hát trong Album “Cung bậc của núi rừng” cũng không phải ngoại lệ. Đó là 9 bài thơ, 9 câu chuyện riêng của các nhà thơ nhưng đã được nhạc sĩ Lê Minh “chắp thêm đôi cánh” âm nhạc thật bay bổng, lãng mạn, làm nó trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, trong đó, có bài hát “Bản vắng” (thơ Mai Liễu) đã được giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới” trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Nhà thơ Mai Liễu vốn là người dân tộc Tày ở Tuyên Quang nên trong thơ ông luôn “nhuộm màu” núi rừng, luôn ẩn chứa tâm hồn, vẻ đẹp của người vùng cao.

Vốn là bạn thân nhiều năm, nhưng có thể nói, đây là bài thơ đầu tiên mà Lê Minh phổ thơ Mai Liễu, bởi theo lý giải của nhạc sĩ thì thơ Mai Liễu quá hay, mà đã hay thì “cứ để thơ mà đọc”. Quả thực, khi giai điệu của ca khúc này vang lên, người ta mới thấy cái tài của người nhạc sĩ. “Bản vắng” dường như là một cách chơi chữ. Không gian hiện lên không hề vắng vẻ, trái lại rất rộn ràng, vui tươi, ở đó có những người dân lao động cần cù, chịu thương, chịu khó giã gạo bên dòng suối khi màn đêm buông xuống. Một hình ảnh đẹp, lãng mạn, đầy hình ảnh và thanh âm núi rừng: “Cụp xòa, cụp xòa/ Dòng suối dòng trăng/ Cối gạo qua đêm trắng bong cụp xòa cụp xòa/ Bản vắng bản vắng, có người con gái đêm đêm mải ngồi thêu áo, thêu khăn, chỉ xanh chỉ hồng xâu vào nhịp chày giã gạo/ Xâu vào từng hạt trăng tan...”.

Tác phẩm “Tiếng khèn mùa ban nở” của nhạc sĩ Lê Minh, phổ thơ Nguyên Như là bài hát có giai điệu bắt tai. Đối với người nghe, có lẽ, đây là ca khúc dễ thích và dễ hát theo. Giai điệu hợp với trạng huống của nội dung câu chuyện trong thơ, cho nên hai luồng cảm xúc từ nhạc sĩ và người viết lời đồng điệu. Theo nhà thơ dân tộc Thái - Nguyên Như, bài thơ lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một người thầy mà anh kính trọng. Thầy đã qua một đời vợ, sau những năm tháng cô đơn thì cơ duyên đến khi một lần ông lên Quản Bạ (Hà Giang) dạy cho cán bộ, giáo viên, rồi cảm mến cô học trò kém mình 20 tuổi và nên duyên hạnh phúc đến bây giờ hơn 20 năm đã có 2 cậu con trai.

Là người thể hiện ca khúc này, ca sĩ Thùy Dương (hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội) đánh giá đây là bài hát mang âm hưởng Tây Bắc rất độc đáo. Bên cạnh tình yêu của đôi trai gái vùng cao đầy lãng mạn, mộng mơ và đầy chất thơ, còn là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và sống động.

Cùng với đó là ca khúc “Chái Cáy con đường xưa” (thơ Nguyễn Bá Thắng) viết về địa danh Chái Cáy (Tuyên Quang), nơi in dấu hình bóng kỷ niệm của nhà thơ những năm còn là thanh niên. Ca khúc “Đá lạnh” là câu chuyện tình của nhà thơ quê ở Bắc Giang mãi không lấy được vợ nên đã phiêu bạt lên vùng núi Si Ma Cai rồi cuối cùng, tình yêu đã đến trong sự bất ngờ. Qua bài hát “Đá lạnh”, nhạc sĩ đã khẳng định, nếu con người không có tình yêu thì cũng như hòn đá lạnh lẽo. Tình yêu chính là động lực để người trong cuộc vượt lên những khó khăn, bươn chải của cuộc sống.

Rồi bài hát “Giữa Điện Biên em hát câu quan họ” (thơ Giáp Đình Chiến) là cảm xúc của tác giả thơ trong lần cùng Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh lên biểu diễn tại Điện Biên mà ở đó, nhạc sĩ đã rất tài tình hòa quyện âm nhạc của Tây Bắc với âm hưởng dân ca quan họ đằm thắm, mượt mà tạo nên những giai điệu gần gũi, ấm áp, tràn đầy xúc cảm. Ngoài ra, trong Album còn có sự xuất hiện của một số ca khúc, như: “Ngây thơ suối bản Mông”, “Cát Cát hát”, “Khúc hát người Sơn Động”, “Chợ nhớ”.

Chia sẻ về Album “Cung bậc của núi rừng”, nhạc sĩ Lê Minh cho biết: “Dân ca ở các dân tộc vùng núi phía Bắc rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Tôi muốn níu giữ và “khoác” một “tấm áo vừa vặn” vào dân ca ở đó để góp phần gìn giữ và bảo tồn nó trong xã hội hôm nay. Bản thân là người sáng tác nhạc về nhiều vùng miền, nhưng có thể nói, đề tài miền núi luôn hấp dẫn tôi, luôn thôi thúc tôi khám phá những “kho tàng” còn đang rất tiềm tàng này. Ở tuổi ngoài 70, tôi cũng không có nhiều tham vọng với sáng tác, nhưng tôi luôn tin rằng, tác phẩm hay nhất của mình vẫn đang ở phía trước”.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO