Biên phòng - Xứ biên ải Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, trời sinh một cao nguyên đá mênh mông, xám xịt nằm trên độ cao khoảng 1.600m quanh năm mây phủ. Cái cao nguyên đá ấy có hàng nghìn, hàng vạn mỏm đá tai mèo nhấp nhô như dương lên bầu trời những hàng chông "nhọn hoắt" và "sắc lẹm". Những mỏm đá ấy còn trải dài, trùng điệp như những con sóng nhấp nhô, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hoang sơ mà tráng lệ. Giữa không gian tuyệt diệu ấy xuất hiện một khối công trình kiến trúc khá đồ sộ, nguy nga bằng đá mang đậm phong cách nghệ thuật Trung Hoa. Đó chính là dinh thự nhà Vương.
Có một lời ca thường trực trong tâm thức người Mèo (người Mông) là: "Con quạ không có nơi đậu/ Người Mông không có quê hương". Sao lại vậy? Ngược dòng lịch sử, theo sử liệu còn ghi, Miêu (Mèo) tộc ở Việt Nam vốn là một bộ phận của người Miêu có gốc từ cao nguyên Vân - Quý (Trung Quốc). Bộ phận này vốn là những người không khuất phục sự cai trị của Thanh triều và Hán tộc nên đã vùng dậy đấu tranh nhưng đều bị thất bại, phải rút chạy về phía Nam và Tây Nam.
Cách đây khoảng trên dưới 300 năm về trước, trên hành trình trốn chạy khỏi sự truy sát của người Hán, một bộ phận người Mông đã đặt chân tới cao nguyên Đồng Văn - cao nguyên đá mênh mông, hùng vĩ ấy là nơi dừng chân đầu tiên và cũng đã trở thành quê hương của người Mông trên đất Việt. Đây cũng là một trong những nơi cư ngụ đông người nhất của Miêu tộc trên đất nước Việt Nam. Những người Mông đến đây đã chấm dứt hành trình thiên di do bị truy sát. Và nỗi ám ảnh về sự truy sát, sự hận thù người Hán cũng chỉ còn đọng lại trong tâm thức.
Từ đây, cùng với các tộc người khác, người Mông đã trở thành những chủ nhân của vùng núi cao miền biên viễn. Họ cùng hòa hợp với các tộc người khác trong khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức khai phá đất đai thiên nhiên để mưu sinh, xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở nơi cực Bắc.
Dinh vương, tức là dinh thự của vua Mèo. Vua Mèo là danh xưng của người đời dành cho cha con của cụ Vương Chí Sình. Cụ Vương Chí Sình (hay còn gọi là đệ nhị vua Mèo) là một nhân vật đặc biệt. Đương thời, cụ không thích cái danh xưng này, chưa bao giờ cụ vỗ ngực hay khoe khoang về cái tên gọi ấy. Vua Mèo đệ nhị tên thật là Vàng Seo Lử (họ Vàng là một trong những dòng họ đầu tiên từ Trung Quốc chạy đến Việt Nam và sinh tồn trên cao nguyên đá này). Cụ sống nhân ái và rất có uy tín với người dân.
Trước Cách mạng tháng Tám, đệ nhị vua Mèo đã từng đứng lên tập hợp mọi người trong vùng đánh đuổi Nhật - Pháp, khi chúng tấn công lên vùng cao nguyên đá Hà Giang. Cảm kích cái nghĩa khí ấy của vua Mèo, Bác Hồ đã tặng cụ một thanh gươm quý có khắc dòng chữ "Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ" và một chiếc áo trấn thủ. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, vua Mèo về Hà Nội bàn việc nước theo lời mời của cụ Hồ và đến năm 1946, tại Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, "vua Mèo" đã chính thức được quốc dân bầu là đại biểu.
Cái dinh thự của vua Mèo được khởi dựng từ thời cụ Vương Chính Đức (cha của Vương Chí Sình hay còn gọi là đệ nhất vua Mèo). Theo kể lại, cụ Vương Chính Đức là người đứng đầu dòng họ Vàng của người Mông ở cao nguyên đá lúc đương thời. Cụ vốn là người thông minh, uy dũng và tài trí hơn người nên đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Với sức mạnh và quyền lực của mình, cụ đã xưng vương và tổ chức các hoạt động trồng trọt, chế biến và buôn bán thuốc phiện. Nhờ những thương vụ thuốc phiện xuyên quốc gia sang Trung Quốc và Miến Điện thành công mà nhà Vương ngày càng trở nên giàu có. Để khẳng định uy quyền thống lĩnh tối cao của mình trên cao nguyên đá, vua Mèo Vương Chính Đức đã nhờ thầy địa lý giỏi đi khắp mọi nơi trên đất Đồng Văn chọn nơi đóng đô, có tài liệu nói, ông Chương Chiểu, người Hán ở Phố Là (Đồng Văn) đã tìm ra thế đất này.
Đồng thời, ông cũng cho người tìm đón những hiệp thợ giỏi ở Trung Quốc về để xây dựng cho mình một "cung điện". Và thế là, cái dinh thự tòa ngang, dãy dọc, nguy nga, bề thế, vương giả bằng đá ở giữa thung lũng Sà Phìn đã được hình thành lên từ đấy.
Dinh nhà vương được ông thầy địa lý đặt trên một thế đất hình mai rùa giữa thung lũng Sà Phìn, có diện tích gần 3.000m2, phía trước có hai núi cao và to, đằng sau cũng có một dải núi hình vòng cung bao quanh.
Dinh nhà Vương được làm bằng các vật liệu chủ yếu như đá xẻ, gỗ nghiến, gỗ lim và gỗ thông đá... được lấy ở trong vùng và mang về từ Trung Quốc. Công trình trên được Tống Bạch Giao là tướng biên ải, dưới trướng của tư lệnh Long Vân, quân của Tưởng Giới Thạch ở Vân Nam thiết kế và thi công (Tống Bạch Giao cùng buôn bán thuốc phiện với cụ Vương Chính Đức). Nghe nói, Tống Bạch Giao đã tuyển về đây hơn 300 người thợ theo đạo Hồi ở vùng Vân Nam (Trung Quốc) nổi tiếng về xây dựng cung điện, cùng với hàng trăm người Mèo khéo tay trong vùng để xây dựng nhà Vương.
Từ bên ngoài đi vào, cổng nhà Vương được nằm trên trục chính của tòa nhà, được xây kiên cố, cuốn vòm bằng đá, có mái che và cửa được làm bằng gỗ thông đá dày dặn, chắc nịch. Đường đi vào nhà Vương phải đi qua những phiến đá lớn, vuông vức; trước cổng là 15 bậc đá, xây ghép, chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Nhà Vương được bao quanh bởi hai bức tường thành bằng đá dài khoảng 265m, cao khoảng trên 2m và dày khoảng từ 0,6m đến 0,8 m. Các phiến đá xây tường thành được gắn chặt với nhau bởi lớp vữa xi măng cho nên có khả năng chống đạn rất tốt. Trung bình, khoảng từ 5 đến 6m của bức tường thành, Vương lại cho làm một lỗ châu mai, rộng phía trong và hẹp phía ngoài để quan sát, đồng thời đây cũng là những họng súng để bảo vệ tòa nhà bên trong khi có biến.
Dinh nhà Vương được thiết kế theo lối kiến trúc nhà Thanh nhưng có nhiều nét hoa văn của người Mông. Tòa dinh thự có 4 nhà dọc và 6 nhà ngang, tất cả đều hai tầng, sàn gỗ với diện tích khoảng hơn 1.000m2, gồm 64 phòng khép kín. Tòa nhà có chiều dài khoảng 46m và chiều rộng khoảng 22m, chia làm ba dãy rõ rệt, gồm Tiền cung, Trung cung và Hậu cung.
Nhìn tổng thể, các căn phòng và cấp nhà ở nhà Vương được thiết kế đạt hiệu quả tối đa của công năng, vừa phù hợp với đối tượng sử dụng, vừa tiện ích cho sinh hoạt. Bên cạnh các phòng ở, dinh Vương còn có các phòng dùng làm kho lương thực, kho súng đạn, kho chứa thuốc phiện. Ở giữa dãy nhà đầu tiên và nhà thứ hai (Tiền cung và Trung cung) có một sàn gỗ. Đây chính là nơi xử án của cụ Vương Chính Đức. Nghe nói, hồi đó mỗi lần "thiết triều" xử án, cụ lại mặc áo mũ oai nghiêm như Bao Công trong phim.
Ngoài ra, trong khuôn viên còn có một bể lớn bằng đá có thể tích khoảng 300 mét khối chứa nước mưa, hứng từ mái nhà chảy xuống, những mái nhà này được lợp bằng ngói âm dương nung rắn như sành có thể chịu được mưa đá, ngói này được mua và vận chuyển từ Vân Nam (Trung Quốc) về.
Đặc biệt, trong sân nhà còn có chiếc bồn tắm hình bán nguyệt của Vương, được đục khoét tỉ mỉ từ một tảng đá nguyên khối, chiều dài khoảng 1m, chiều rộng khoảng 0,5m, thành dày 5cm. Cái bồn này nhìn bề ngoài có vẻ thô mộc nhưng để có nó đòi hỏi người thợ đục đá phải đục khéo léo, chính xác, rất công phu. Cái bồn này được dùng để đựng sữa dê đun sôi cho các phu nhân của vua Mèo tắm. Tương truyền phương thức tắm sữa dê này là một trong những bí quyết giữ mãi vẻ thanh xuân của các bà hoàng trong cung.
Ba dãy nhà trong dinh Vương được thiết kế cao dần từ ngoài vào trong. Xen kẽ, kết nối các dãy nhà là các khoảng sân nhỏ được lát bằng những phiến đá xanh. Móng các ngôi nhà được làm bằng đá, tường các ngôi nhà đều làm bằng đất theo lối trình tường của người Mông, trừ tường hậu nhà Hậu cung. Các dãy nhà ngang dọc phối lại tạo thành hình chữ vương (vua) khơi gợi trong lòng người biết bao liên tưởng.
Hiện vật vẫn còn lưu giữ ở nhà Vương hiện nay ngoài một số vật dụng hàng ngày, còn có bức hoành phi treo ở phía ngoài gian nhà chính của tòa nhà. Đây là bức hoành phi bằng chữ Hán đề bốn chữ "Biên chinh khả phong" (sắc phong cai trị cõi biên thùy) của vua Khải Định tặng vua Mèo năm 1913.
Kể về quá trình xây dựng khu nhà Vương này, một số báo đã viết là phải mất gần 10 năm trời, từ 1919 đến 1928. Nhưng cũng có người bảo (cụ Vương Quỳnh Sơn nguyên là Chuyên viên cao cấp Ủy ban Dân tộc Trung ương, cháu ruột của vua Mèo Vương Chí Sình) chỉ làm trong 4 năm, từ 1923 đến 1926. Và cái công trình đá độc đáo ấy cũng đã ngốn hết 1,5 vạn đồng bạc trắng hoa xòe thời đó. Một lượng tiền quả thật là khổng lồ mà vua Mèo thu được từ những thương vụ thuốc phiện.
Đã gần 100 năm trôi qua, nhà Vương cũng đã được trùng tu một lần vào năm 2004, nhưng cơ bản vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của nó. Khu dinh thự này cũng đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993. Nó là điểm đến không thể thiếu được đối với bất cứ ai khi du hành lên cao nguyên đá Đồng Văn.
Giang Sơn