Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Người phác thảo những mảng tối của phố thị

Biên phòng - Nếu ai chưa từng biết nhà văn Sương Nguyệt Minh ngoài đời mà chỉ đọc các tác phẩm trong tập truyện ngắn “Dị hương”, hay tập tản văn “Đàn ông chọn rãnh ngực sâu” có lẽ sẽ không nghĩ anh là một cây bút của quân đội. Phía sau cặp kính cận dày là đôi mắt thật tinh tường khi anh nhìn đời để viết nên những trang văn đầy chất trào lộng, châm biếm, dí dỏm mà cũng thật chua cay...

Nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ảnh: nhân vật cung cấp

Những nạn nhân của xã hội hiện đại

Nhà văn Sương Nguyệt Minh xuất thân từ vùng quê nông thôn nghèo thuộc huyện Yên Mô (Ninh Bình) lên thành phố học hành, công tác rồi bước vào con đường viết văn. Có lẽ vậy mà ngòi bút của anh có phần “thiên vị” khi lựa chọn đối tượng là phụ nữ nông thôn để đưa vào tác phẩm của mình. Anh viết bằng một cái đầu lạnh và trái tim ấm nóng. Viết bằng con mắt tinh tường, bằng sự quan sát từng trải của một người đàn ông thông minh nhìn về phái khác giới.

Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1958). Anh đã giành nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm (1999-2004)... Một số tác phẩm tiêu biểu của anh gồm: “Đêm thánh vô cùng,” “Người về bến sông Châu,” “Lửa cháy trong rừng hoang”, “Mây bay cuối đường”, “Đi qua đồng chiều”, “Mười ba bến nước”, “Miền hoang”, “Dị hương”...

Những nhân vật trong truyện ngắn của anh như cô bé sinh viên Văn khoa trong truyện “Đàn bà”, Bống chị (Bích) trong “Giếng cạn”, Bần (vợ Tèo) trong “Cái nón mê thủng chóp”, hay dì Hảo và Lệ Hằng - cô con gái của chồng trong “Bản kháng án bằng văn” đều là những nạn nhân chịu nhiều hệ lụy từ mặt trái của xã hội hiện đại. Họ xuất thân là những người phụ nữ nông thôn chân chất, hiền lành, nhưng khi bước chân vào thế giới phồn hoa đô hội đầy phức tạp đã không chủ động được tri thức, văn hóa, kỹ năng sống nên đã tự đánh mất mình theo từng cách khác nhau.

Trong “Cái nón mê thủng chóp”, nhân vật chị Bần (vợ anh Tèo) đã “đổi đời”, đổi cả tính nết từ khi chồng trúng quả cổ phiếu, mua được nhà lầu mặt phố. Chị chuyển lên thành phố lập tức học cách thích nghi rất nhanh với xã hội văn minh, hiện đại “để người ta không chê mình quê mùa”. Chị lang thang cả ngày trên mạng internet, học cách đắp mặt nạ dưa chuột, tập thể hình, diện váy ngủ màu hồng, xức nước hoa hiệu Chanel..., rồi thỉnh thoảng trốn chồng đi chơi cùng tay giám đốc văn phòng địa ốc. Chị thay đổi nhanh đến mức anh Tèo không còn nhận ra vợ mình nữa...

Còn nhân vật dì Hảo (mẹ kế) và Lệ Hằng (cô con gái của chồng) đã lao vào dòng lốc xoáy canh bạc tình - tiền. Cho đến một ngày, Lệ Hằng phát hiện ra người yêu Đê Vít Can của mình cũng chính là bồ của người mẹ kế, trong cơn ghen hoảng loạn, cô đã lao vào giết người yêu và vô tình gây ra cái chết nghiệt ngã của dì Hảo. Trong một phút giây tích tắc, cô đã phạm tội giết người và rơi vào vòng lao lý, phải nhận mức án cao nhất: Tử hình (Bản kháng án bằng văn)...

Cô đơn trong chính ngôi nhà mình

Phía sau ánh đèn xanh đỏ lấp lánh của phố thị, bên trong những ngôi biệt thự cao tầng, Sương Nguyệt Minh đã khéo léo dẫn dụ người đọc đi vào bên trong khám phá những bí mật phía sau những cánh cổng sắt sang trọng. Ở đó biểu lộ chân dung những bà vợ nanh nọc, đanh đá, chanh chua, vô cảm bên cạnh những ông chồng hèn yếu với một nỗi cô đơn tận cùng mà không thể chia sẻ cùng ai.

Trong truyện ngắn “Những vùng trời của họ”, anh tiến sĩ nhà nghèo xuất thân từ một vùng quê nông thôn đã “đổi đời” khi lấy được “con gái rượu” của một vị thứ trưởng. Nhưng cũng chính vì sống nhờ vào “cái bóng” nhà vợ mà từ đó, anh mất đi vị thế “nóc nhà” của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Anh luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti, nhỏ bé trước “uy quyền” của nhà vợ. Ngôi biệt thự sang trọng của vợ chồng anh vì thế cũng trở nên lạnh lẽo, xa lạ như một thế giới khác biệt với thế giới của người mẹ nghèo chân lấm tay bùn từ quê lên thăm con trai. Ở đó, ngoài cái vỏ sang trọng, hào nhoáng bề ngoài là một trái tim vô cảm, một sự kỳ thị phân biệt giai tầng rõ nét, một vỏ bọc giả dối trong lối sống và thái độ coi trọng tiền bạc, vật chất hơn tất thảy mọi giá trị tình cảm khác của vợ anh.

Từ một cuộc sống giàu có, thừa mứa về vật chất nhưng lại thiếu hụt, nghèo nàn về tình cảm, người đàn ông trong truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh cảm thấy lạc lõng, cô đơn và bất lực với chính mình. Anh ta không muốn đối diện với thực tại, không thể tự giải thoát khỏi những bức bối, ngột ngạt của cuộc sống được coi là “văn minh, hiện đại” nên đành chọn cách “sống mòn” với nỗi cô đơn sâu thẳm, hoặc tự trốn chạy trong những hoài niệm của một thời xưa cũ... (Đêm thánh vô cùng).

Có thể nói, những trang văn của nhà văn Sương Nguyệt Minh gợi lên cho người đọc nhiều điều suy ngẫm về cuộc sống đa diện trong xã hội hiện đại hôm nay. Ở đó, có những người phụ nữ thuần lành và nông nổi, có những phụ nữ sắc sảo và nanh nọc, có những con người khéo léo mà giả dối và có cả những người đàn ông nhu nhược, yếu hèn... Trong tận cùng nỗi cô đơn, người đàn ông trong trang văn của Sương Nguyệt Minh vẫn còn khắc khoải, còn đau đáu, còn day dứt nghĩa là họ vẫn còn chưa tự đánh mất mình hoàn toàn. Họ chỉ là những nạn nhân trong lát cắt của xã hội hiện đại.

Qua những câu chuyện nhặt nhạnh từ phố thị, Sương Nguyệt Minh muốn chuyển tải tới bạn đọc một thông điệp: Tất cả chúng ta hãy chuẩn bị chu đáo những hành trang cần thiết về cả tri thức, văn hóa, kỹ năng sống... để luôn sống trong thế chủ động và bước vào xây dựng một xã hội thực sự văn minh, an bình.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO