Biên phòng - "Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi" là tên của triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Qua triển lãm giúp người xem thấy được những đóng góp của ông với văn học nước nhà, cho thiếu nhi cũng như trong công tác xuất bản sách thiếu nhi.
|
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (thứ 2 từ trái sang) trong thời kỳ tham gia sáng tác cho thiếu nhi tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu |
Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là một trong những nhà văn, nhà viết kịch kháng chiến đã để lại nhiều dấu ấn cho nền văn học cách mạng Việt Nam. Ông là người lãnh đạo chủ chốt của phong trào Văn hóa cứu quốc (1946). Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được trân trọng và đánh giá cao. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1, năm 1996. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố, trường học, thư viện trong cả nước.
Bên cạnh những tiểu thuyết, vở kịch nổi tiếng như Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, Sống mãi với Thủ đô, Bắc Sơn, Lũy hoa, Một ngày chủ nhật... ông còn đi vào văn học sử Việt Nam với những trang viết dành cho thiếu nhi.
Triển lãm đã trưng bày hàng trăm bức ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt là những đóng góp của ông trong mảng sáng tác cho thiếu nhi. Người xem được chiêm ngưỡng các phiên bản của tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng in từ năm 1970 tới 1994, trong đó có cả phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung, bản chữ nổi... qua đó, phần nào hình dung ra sự nghiệp văn học thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng qua một số cuốn sách trưng bày tại triển lãm như Thằng Quấy, Tìm mẹ, Con cóc là cậu ông Giời, Hai bàn tay chiến sĩ, Kể chuyện Quang Trung...
Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, được dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học và được các em thiếu nhi yêu thích.
Không chỉ đem vào văn học những tác phẩm thiếu nhi với phong cách miêu tả đặc biệt, Nguyễn Huy Tưởng còn luôn đau đáu với việc đọc của các em. Các hiện vật còn lưu giữ được qua những bức thư của các nhà văn gửi Nguyễn Huy Tưởng trưng bày tại triển lãm cho thấy, công lao của ông đối với ngành xuất bản sách cho thiếu nhi không hề nhỏ.
Không chỉ có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn cùng với nhà văn Tô Hoài thành lập Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng - đơn vị làm sách thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam. Từ năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, ông đã cùng nhà văn Tô Hoài chủ trương thành lập "Tủ sách Kim Đồng", vận động và thực hiện in những tác phẩm cho thiếu nhi.
Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài cùng các ông Hồ Trúc, Phong Nhã... luôn đau đáu với việc sáng tác cho thiếu nhi và xuất bản sách cho các em. Ông cũng trực tiếp cho ra đời hai cuốn sách: Một ngày hè và Chiến sĩ ca nô. Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, mặc dù bộn bề công việc, ông vẫn dành tâm huyết viết truyện Tìm mẹ - một trong những truyện thiếu nhi hay nhất của ông.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, vào năm 1957, ông cùng một số nhà văn xin được thành lập một đơn vị xuất bản sách cho thiếu niên, nhi đồng. Nhà văn Tô Hoài đặt tên cho đơn vị đó là NXB Kim Đồng, còn Nguyễn Huy Tưởng được giao làm Giám đốc. Trên cương vị này, bên cạnh việc lo toan các công việc tổ chức, hành chính, gây dựng cơ quan... nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn dùng uy tín và cương vị của mình mời gọi các văn nghệ sĩ quan tâm viết, vẽ cho thiếu nhi. Bản thân ông cũng viết rất nhiều. Thời điểm đó, ông viết nhiều truyện như: An Dương Vương xây thành ốc, Điện Biên Phủ của chúng em, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng...
Trong một bài viết gửi Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài nói: "Anh thường ước mơ làm sao cho hết thảy con em - cả một thế hệ bước sau chúng ta, khi các em vừa đến lứa tuổi làm quen với sách vở, đã biết thưởng thức và say mê những câu chuyện do tưởng tượng mới thấy... Anh thèm có những tài năng nào đem được cả nghìn năm lịch sử dựng nước biến thành một bộ truyện chói lọi". |
Triển lãm còn trưng bày nhiều tư liệu, bút tích của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tạ Thúc Bình... viết, vẽ cho các em; những tư liệu ghi chép phục vụ cho sáng tác; những trang nhật ký thể hiện quan điểm, tư tưởng sáng tác của nhà văn; những bức thư thăm hỏi, trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với các nhà văn, cộng tác viên, cán bộ biên tập của NXB Kim Đồng như Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Xuân Sanh...
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được chuyển thể sang hình thức truyện tranh, giúp các em thiếu nhi dễ tiếp cận và hào hứng hơn với tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, những truyện cổ tích, truyện thiếu nhi đến những tiểu thuyết, kịch bản, truyện ký gắn với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng lần lượt được xuất bản trong Tủ sách Vàng - tác phẩm văn học chọn lọc của NXB Kim Đồng.