Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 10:23 GMT+7

Nhà văn Cao Duy Sơn: Cuộc viễn du tìm về nguồn cội

Biên phòng - Sinh ra và lớn lên ở thung lũng Cô Sầu (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) - một vùng đất giàu trầm tích văn hóa Tày ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, chàng trai mang 2 dòng máu Kinh - Tày Cao Duy Sơn đã mang cả quê hương khi vào bộ đội, để rồi sau đó trở thành nhà văn, miệt mài sáng tác để tìm về nguồn cội, “trả nghĩa” cho quê hương, bản làng.

Nhà văn Cao Duy Sơn (bên trái). Ảnh: Ngọc Ánh

Nhà văn Cao Duy Sơn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ, anh Sơn chia sẻ, anh vẫn khắc ghi trong tim những tháng ngày chân trần vất vả theo mẹ đi nương rẫy. Những bữa cơm không đủ no, áo không đủ ấm… Trong sự khốn khó chung của vùng cao ngày ấy, anh vẫn cảm nhận được tình người đầy như bát nước, nhiều như lá cây rừng. Những lề lối, tập tục, ứng xử trong cuộc sống hằng ngày hay trong các dịp sinh hoạt lễ, tết rất nhân văn, bài bản.

Những ký ức đó, Cao Duy Sơn đã mang theo khi vào bộ đội. Để rồi những giây phút được nghỉ ngơi, thư giãn, chàng lính trẻ lại thao thức, khắc khoải nghĩ về quê hương như một món nợ ân tình phải trả…

Năm 1980, Cao Duy Sơn chuyển ngành về làm phóng viên tại Đài Phát thanh tỉnh Cao Bằng. Rồi một lần tình cờ được tham dự trại sáng tác văn học dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, anh đặt bút viết thử truyện ngắn “Dưới chân núi Nục Vèn” kể về cuộc sống của người dân ở thung lũng Cô Sầu. Tác phẩm của anh được in trang trọng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, gây được sự chú ý của nhiều độc giả.

Tác phẩm đầu tiên thành công, Cao Duy Sơn như được “tiếp lửa” để tiếp tục dấn thân vào con đường viết lách. Anh lặng lẽ học hỏi, tập trung thời gian, sức lực, âm thầm sáng tác. Nhà văn Cao Duy Sơn chia sẻ, mỗi khi đặt bút viết, anh thường cẩn trọng, suy nghĩ, viết chậm và kỹ. “Tôi viết khó nhọc lắm, truyện nào viết cũng vất vả. Không có cái nào ăn ngay mà đều phải trải qua vài ba lần viết đi sửa lại”. Mỗi năm, anh chỉ viết được chừng hai truyện ngắn, đôi chương tiểu thuyết.Tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” (gồm 7 truyện), anh viết trong 4 năm. Tiểu thuyết “Đàn trời”, anh viết ròng rã trong 4 năm. Tiểu thuyết “Chòm ba nhà”, anh miệt mài suốt 3 năm có lẻ.

Khởi nghiệp từ năm 1984, đến nay, anh mới viết 5 cuốn tiểu thuyết (“Người lang thang”, “Cực lạc”, “Hoa mận đỏ”, “Đàn trời”, “Chòm ba nhà”) và hiện nay đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ 6 mang tên “Oán ca từ đáy thẳm”; 5 tập truyện ngắn (“Những chuyện ở lũng Cô Sầu”, “Những đám mây hình người”, “Hoa bay cuối trời”, “Người chợ” và “Ngôi nhà xưa bên suối”).

Trong trang văn của Cao Duy Sơn, nhân vật chính thường có cuộc sống nội tâm phong phú, phức tạp, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lặng lẽ, kín đáo. Truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối”, anh viết về vùng đất có ngọn núi Phja Phủ, về những thầy giáo từ miền xuôi lên dạy học ở miền núi, đặc biệt dành bao trân quý xây dựng nhân vật thầy Hạc.

Cũng trong tập truyện này, ngòi bút của Cao Duy Sơn đã phác thảo nên những bức tranh sinh động về cuộc sống ở vùng cao miền núi phía Bắc. Ở đó, có những vỉa tầng văn hóa truyền thống dân tộc Tày được hun đúc qua hàng trăm thế hệ. Đó là các tục lệ cưới xin của người Tày, tục lấy tên con để gọi thay tên cúng cơm của người mẹ (trong truyện ngắn “Song sinh”); tục đi chợ tình Âu Lâm vào dịp tháng Giêng để những đôi tình nhân xưa được thổ lộ tâm tình, ôn lại kỷ niệm (trong truyện “Chợ tình”); hay tục hát khai xuân vào ngày mùng 1 Tết (trong truyện “Súc Hỷ”)…

Những phong tục, tập quán của người Tày trải qua chiều dài lịch sử, nay có tục còn, tục mất, tục bị hiểu sai lệch làm biến dạng nét đẹp văn hóa truyền thống. Bằng bút pháp dung dị, nhẹ nhàng, thông qua đặc tả diễn biến nội tâm nhân vật trong từng cốt truyện, Cao Duy Sơn đã gửi đến độc giả một thông điệp: “Mất văn hóa nghĩa là mất gốc”.

Các giải thưởng ấn tượng của nhà văn Cao Duy Sơn: Giải thưởng văn học Ðông Nam Á năm 2009 (SEA Write) cho tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối”; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017 cho 2 tác phẩm “Đàn trời” và “Ngôi nhà xưa bên suối”; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997 cho truyện ngắn “Những chuyện ở lũng Cô Sầu”; Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc miền núi cho tiểu thuyết “Người lang thang”…

Trong tiểu thuyết “Đàn trời”, Cao Duy Sơn đã khéo léo dựng nên một bức tranh sinh động về cuộc sống ở miền núi được xen lồng giữa hiện tại và quá khứ. Mượn bối cảnh ở một tòa soạn báo địa phương, tác giả từng bước hé lộ cho độc giả thấy những mối quan hệ phức tạp trong một tập thể trí thức. Ở đó có những nhà báo trẻ đầy tâm huyết, trách nhiệm với nghề như Vương, Thức. Có những vị nắm giữ quyền cao, chức trọng song năng lực yếu kém, thiếu bản lĩnh, luồn cúi, nịnh bợ cấp trên và tự đánh mất nhân cách của mình, đó là Tổng Biên tập Tuệ.

Từ mối quan hệ trong tòa soạn báo, tác giả mở rộng ra cả một xã hội thu nhỏ ở vùng cao. Trong xã hội đó có những kẻ nắm giữ quyền lực luôn tự vỗ ngực là người công tâm vì dân, vì nước nhưng nhân cách rẻ mạt. Những vị “quan tham”, “doanh nghiệp đen” luôn bày mưu tính kế để thao túng quyền lực, bòn rút tiền của của Nhà nước và nhân dân, bưng bít tội lỗi và sẵn sàng trù dập bất kể ai dám đứng lên đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực.

Hiện nay, công việc của nhà văn Cao Duy Sơn rất bận rộn, nhưng anh vẫn dành thời gian để sáng tác. Anh đang hoàn thiện cuốn tiểu thuyết mang tên “Oán ca từ đáy thẳm” - câu chuyện xoay quanh việc giữ gìn và bảo vệ những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu của người miền núi, mà ở đó, hình ảnh những người lính trở về từ chiến tranh chính là trung tâm. Cuốn tiểu thuyết này dự kiến sẽ được ra mắt bạn đọc vào cuối năm nay.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO