Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 04:25 GMT+7

Nhà trình tường đang dần mai một trên vùng biên Lạng Sơn

Biên phòng - Lạng Sơn - mảnh đất nơi phên dậu của Tổ quốc từ xa xưa đã được biết đến với những ngôi nhà truyền thống của người Tày, Nùng, Sán Chỉ được trình tường bằng đất nện nên mát vào mùa Hè, ấm áp khi Đông về. Thế nhưng theo thời gian, những ngôi nhà trình tường truyền thống đang ngày càng bị mai một.

Một ngôi nhà trình tường ở thôn Bản Khiếng, xã Hữu Khánh được xây dựng từ năm 1993. Ảnh: Ngọc Ánh

Nếp nhà cổ - dấu ấn thời gian

Đến thăm các bản, làng người Tày, Nùng ở xã Hữu Khánh, huyện biên giới Lộc Bình (Lạng Sơn), chúng tôi vẫn nhìn thấy thấp thoáng những ngôi nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương nằm xen kẽ với những ngôi nhà xây theo kiến trúc nhà của người Kinh.

Trao đổi với cô Đổng Thị Hiền, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lộc Bình, Chủ nhiệm đề tài “Bước đầu nghiên cứu về nhà trình tường của người Tày - Nùng ở xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn”, cô cho biết: Xã Hữu Khánh hiện vẫn bảo tồn được khoảng gần 100 ngôi nhà trình tường bằng đất của các hộ đồng bào Tày, Nùng.

Đặc biệt, tại thôn Bản Khiếng và Khòn Thống hiện vẫn còn giữ được khoảng 70 ngôi nhà trình tường, kiểu nhà trệt và nhà 2 tầng, mái lợp ngói âm dương rêu phong mang nét đẹp thâm trầm, cổ kính. Có những ngôi nhà “tuổi đời” đã lên tới cả trăm năm, được xây dựng với kỹ thuật cầu kỳ, lối kiến trúc xưa cũ như nhà của gia đình ông Chu Văn Xem, ông Nông Văn Toàn...

Ngôi nhà của ông Chu Văn Xem, dân tộc Nùng ở thôn Bản Khiếng được xây dựng với kiến trúc 2 tầng. Nhà dài khoảng 9m, rộng 6,6m, cao 3,7m, được thiết kế gồm 3 ngăn: Ngăn ngoài cùng là phòng khách; ngăn thứ hai là tiếp nối giữa phòng khách và buồng ngủ; ngăn trong cùng là buồng ngủ. Phần cửa buồng được thiết kế theo hình vòm khá mềm mại.

Để xây dựng, hoàn thiện ngôi nhà này, những người thợ đã sử dụng khoảng 62m3 đất nén chặt. Kỹ thuật trình tường cũng được chuẩn bị rất cầu kỳ, phức tạp. Trong nhà trình tường, bà con dùng gỗ ngâm lâu ngày để ngăn cách tầng một và tầng hai, vì vậy, dù trải qua hàng trăm năm, nhưng sàn những ngôi nhà này vẫn chắc chắn.

Ngoài đất trình còn phải dùng rất nhiều đá từ suối để làm nền. Ở thôn Bản Khiếng có những ngôi nhà được xếp đá suối cao hơn 1m. Để xây dựng một ngôi nhà trình tường, từ khâu chuẩn bị đất, nhào đất, tiến hành trình tường đều rất công phu, thời gian hoàn thiện một ngôi nhà phải từ 1-3 tháng.

“Một ngôi nhà trình tường tốt thì phải đảm bảo tường ngôi nhà không bị ngấm nước trong mùa mưa. Nhà phải chống được gió, ấm áp trong mùa Đông, còn mùa Hè thì chống được nóng và đảm bảo mát mẻ” - ông Nông Văn Toàn giải thích.

Nhà trình tường đang dần thưa thớt

Những nếp nhà trình tường đã gắn bó với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Lộc Bình hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là nhiều ngôi nhà trình tường cổ ở đây đang trong tình trạng xuống cấp, hư hại. Nhiều ngôi nhà do thời gian xây dựng đã quá lâu nên mái ngói bị nứt, mưa dột, tường lở và có nguy cơ sụp đổ khi trời mưa kéo dài.

Ở trong những ngôi nhà xuống cấp như vậy, bà con rất bất an nên nhiều gia đình đã phải phá đi những ngôi nhà trình tường cũ nát đầy kỷ niệm để xây nhà mới bằng gạch bê tông.

Nhà trình tường cổ của ông Nông Văn Toàn đã 80 năm tuổi ở xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Ánh

Ngôi nhà của ông Chu Văn Xem tuy vẫn còn nguyên vẹn, nhưng gia đình ông đã xây thêm một ngôi nhà mới bằng gạch bê tông bên cạnh để ở. Ngôi nhà trình tường chỉ dùng để đựng thóc lúa và đồ đạc. Còn nhà của ông Nông Văn Toàn, nguyên Trưởng thôn Bản Khiếng thì đã thay thế mái ngói âm dương bằng ngói hiện đại, tường xây bằng gạch sống. Chuồng trại nuôi lợn, gà và tường rào cũng đều được xây lại bằng gạch.

Ông Hoàng Văn Van, ở thôn Khòn Thống cho biết: “Kỹ thuật dựng nhà trình tường của người Tày, Nùng ở thôn Khòn Thống rất cao. Những ngôi nhà của chúng tôi đảm bảo thẩm mỹ và truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, do nhu cầu sinh hoạt, hiện nay, cả thôn có 131 hộ thì chỉ còn hơn 30 hộ giữ lại được nhà trình tường. Bảo tồn nhà trình tường là rất cần thiết”.

Để bảo tồn nhà trình tường truyền thống, theo ông Nguyễn Đặng Ân, Bí thư Huyện ủy Lộc Bình, hiện nay, đối với những thôn, bản còn nhiều nhà trình tường, chủ trương của huyện là tiếp tục khuyến khích, vận động bà con gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục quan tâm xây dựng nhà trình tường mới. Từ đó, có thể hình thành các làng văn hóa du lịch cộng đồng với điểm nhấn là tham quan, trải nghiệm cuộc sống tại nhà trình tường.

Về phía Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cũng đã tích cực phối hợp với UBND các huyện khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch từ nhà trình tường.

Từ năm 2018 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 5 cuộc khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tại các xã có nhiều nhà trình tường. Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn cũng xây dựng các tin, bài, ảnh để quảng bá nhà trình tường, đưa nội dung này vào cẩm nang du lịch tỉnh Lạng Sơn và tái bản trên 1.000 bản mỗi năm...

Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã khảo sát, hỗ trợ và hướng dẫn phát triển du lịch tại thôn Liên Hợp, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình. Mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các địa bàn khác trong thời gian tới.

Cô giáo Đổng Thị Hiền chia sẻ: “Sẽ thật đáng buồn nếu một ngày nào đó, con cháu người Tày, Nùng của chúng tôi hỏi: Nhà trình tường của người Tày, Nùng là nhà như thế nào? Vì lẽ đó mà trong suốt 4 năm qua, tôi đã chú ý chụp lại những hình ảnh về các ngôi nhà trình tường ở Lộc Bình để mong giữ lại được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng”.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO