Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

“Nhà” giữa Biển Đông

Biên phòng - Qua nhiều năm tích lũy kiến thức thực tiễn trên biển, ngư dân đã nghĩ ra đủ “chiêu trò” đánh bắt cá giữa Biển Đông rộng lớn. Mỗi chiếc tàu đánh cá được ví như “ngôi nhà” thứ hai, thứ ba... của ngư dân. Họ đã kiên cường bám biển hàng tháng trời giữa Biển Đông.

veh9_10b
Tàu vỏ thép của ông Hồ Văn Lô, ở xã Mỹ Thành, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định làm nghề lưới vây khơi. Ảnh: Hải Luận

Chạy thẳng vào tâm bão cứu “trinh sát” cá

“Trước đây, nhà tui có 2 chiếc tàu đánh cá, chiếc nhỏ chuyên làm “tàu cò mồi” ngoài biển, chiếc lớn đánh bắt và chạy vào bờ bán cá. Năm trước, “tàu cò mồi” bị tai nạn chìm ngoài khơi, nay còn chiếc tàu lớn đi biển “cô đơn” lắm, nên gặp nhiều khó khăn. Ngoài Bình Định, họ còn duy trì được “tàu cò mồi” làm có ăn ghê” - Thuyền trưởng Bùi Mông, ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, kể với tôi câu chuyện có vẻ không đầu không đuôi, nhưng ẩn chứa chi tiết đắt giá.

Theo ông Bùi Mông thì ngư dân đặt tên “tàu cò mồi”, mới nghe qua có vẻ giống mấy ông đi “cò đất” kiếm hoa hồng trung gian. Loại “tàu cò mồi” có công suất vừa phải, trên tàu chỉ bố trí từ 3 - 5 lao động, có nhiệm vụ nằm mai phục trên biển liên tục 2 - 3 tháng. Ông Hồ Văn Lô, ở xã Mỹ Thành, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định là chủ 3 chiếc tàu làm nghề lưới vây, trong đó có chiếc vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngồi bên cạnh ông Bùi Mông, xen vào giải thích: “Làm nghề lưới vây khơi ở vùng biển Nam Trung bộ phải cho tàu chạy hàng trăm hải lý giữa Biển Đông để đi tìm “chà” (cục gỗ hoặc bó cây) đang trôi giữa biển. Phía dưới “chà” sẽ có những đàn cá dưa gang (họ cá ngừ), ban đêm mình tìm cách bao vây cả vùng biển xung quanh ở giữa cục “chà”, có khi bắt được hàng chục tấn cá. Ngư dân nghĩ ra “tàu cò mồi”, thả cái neo dù nước xuống biển cho tàu cố định không bị trôi nhanh theo dòng hải lưu, lâu ngày con cá tưởng đó là ngôi nhà của nó. Lúc đầu chỉ vài chục con đến ở, sau đó nó dẫn cả đàn về ở chung”. 

Hằng ngày, các lao động trên “tàu cò mồi” có nhiệm vụ lặn xuống biển “trinh sát” xem số lượng đàn cá kéo về cư ngụ như thế nào, sau đó điện báo với ông chủ trên tàu khai thác. Ông Lô kể tiếp: “Khi phát hiện cục “chà”, tàu mình đến cắm lá cờ nổi bên cạnh, báo hiệu cho các tàu khác biết cục “chà” đó đã có chủ. Tàu khai thác đánh đủ sản lượng mấy chục tấn cá, quay mũi vào bờ bán ngay. “Tàu cò mồi” phải ở lại, vừa canh giữ cục “chà”, vừa làm “ngôi nhà” dụ cá về, chờ tàu lớn quay ra đánh tiếp. Về mặt chủ quyền, “tàu cò mồi” giống như những “cột mốc” ở giữa Biển Đông”.

Để đánh bắt được hàng tấn cá ở giữa biển khơi, đôi khi mạng ngư dân như “treo đầu ngọn sóng”. Lúc mới làm nghề lưới vây, Thuyền trưởng Bùi Mông và anh em chiến hữu có một khát khao làm giàu cháy bỏng, bất chấp mọi hiểm nguy. 

“Lần đó, tàu tìm được cục “chà”, đánh trúng một tàu cá đầy ắp, dưới biển vẫn còn nhiều cá. Bỏ thì tiếc, anh em bàn nhau cho cái thúng chai xuống biển, cử 2 người ở lại trên thúng để giữ cục “chà”. Sau đó, bố trí trên thúng 1 bình ga to và 1 bếp, 1 can nước, lương thực, thực thẩm, bộ đàm liên lạc... Tôi yên tâm chạy tàu vào bờ bán cá” - Thuyền trưởng Bùi Mông nhớ lại chi tiết. Thế nhưng tàu vừa cập cảng cá Đà Nẵng, ông Mông nghe đài báo bão sẽ đổ bộ vào đúng tọa độ 2 người đang ở trên thúng chai ngoài khơi. Thuyền trưởng Mông yêu cầu mọi người khẩn trương chuyển cá lên để ở cầu cảng cho mấy bà chủ vựa thu mua làm gì thì làm. Ngay lập tức, ông cho tàu quay ra ngoài biển cứu người. Lệnh “cấm biển” của chính quyền phát ra, ông Mông lấy lý do cho tàu chạy đi ẩn nấp bão. Thuyền trưởng Mông tường thuật: “Tôi tăng ga hết cỡ, vừa chạy vừa lên đàm (Icom) hỏi xem có tàu đánh cá nào đang ở gần vùng biển mà 2 người đang ở lại trên thúng chai. May quá, có chiếc tàu lưới cản của ngư dân thành phố Đà Nẵng đang chạy bão. Qua liên lạc, họ đến cứu vớt 2 người trên thúng chai. Tàu tôi phải chạy hơn 1 giờ thì mới gặp tàu Đà Nẵng “xin” lại người chạy vào bờ an toàn”.

Tình người giữa khơi xa

Ngư dân làm nghề khai thác xa bờ thường có thời gian ở lại trên biển trung bình từ 15 - 30 ngày/chuyến biển. Gặp những người làm nghề câu mực xà (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), họ ở lại trên biển trên dưới 2 tháng. Cùng cảnh “cô đơn” với ngư dân là lính Hải quân, Biên phòng bảo vệ biển, đảo xa xôi, đồng thời, là chỗ dựa vững chắc cho bà con. Cơn bão Chanchu năm 2006 trên Biển Đông đã làm chết nhiều ngư dân miền Trung. Lúc đó, tàu của ông Mông thoát chết vì nhanh chóng chạy vào ẩn nấp ở đảo Cây Dừa (Philippines), sóng biển đánh chịu không nổi, phải cho tàu chạy sang đảo Bình Nguyên (Philippines). Tại đây, bão đánh tàu của ông Mông te tua, mấy phi dầu dự trữ cũng bị đánh bay.

Bão tan, ông Mông hoàn hồn cho tàu chạy về đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thượng tá Lương Minh Vượng, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây đã quyết định cứu trợ cho ngư dân 500 lít dầu, lương thực, thực phẩm, rau xanh... 

“Nhờ 500 lít dầu của Hải quân cấp, tàu tôi trên đường chạy về bờ cũng tranh thủ đánh bắt được mấy tấn hải sản. Nếu như không có chi viện của Hải quân thì tàu tui không thể chạy về bờ, rồi 15 lao động không có thu nhập. Những lúc như thế này mới thấy quý vô cùng lực lượng Hải quân của ta ở giữa Biển Đông” - Thuyền trưởng Mông không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp của những người lính.

fkzw_10a
Thuyền trưởng Bùi Mông và ông Hồ Văn Lô. Ảnh: Hải Luận

Tình nghĩa dân và quân nơi đầu sóng ngọn gió đã làm cho ông Mông luôn khắc ghi. Mỗi khi tàu đi đánh cá ở vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1, vị thuyền trưởng luôn chủ động chọn những con cá ngon nhất tặng bộ đội. Thuyền trưởng Mông tâm sự: “Anh em bảo vệ nhà giàn bao nhiêu năm tháng cứ ở với nhau trên diện tích mấy chục mét vuông, cũng giống như dân trên tàu đánh cá. Chuyến nào đi ngang qua hoặc đánh bắt ở khu vực nhà giàn, tui cũng ghé vô tặng anh em mấy con cá ăn và chuyện trò rôm rả”. 

Có lần, tàu ông Mông đi qua gần nhà giàn mà không ghé chơi, 2 anh lính cầm 2 lá cờ phất như có điều gì khẩn cấp. “Thấy anh em nhà giàn làm dữ quá, tôi nói với anh em trên tàu: “Coi bộ mấy ông lính nhớ mình lắm rồi đây”, tôi quay mũi tàu cập vào nhà giàn trèo lên chơi với anh em một chút rồi cho tàu chạy đi làm. Ai ngờ, mấy anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, tui quyết định bỏ khai thác để hàn huyên, sẻ chia cùng lính nhà giàn. Bỏ biển một đêm có khi mất cả trăm triệu đồng, nhưng tình nghĩa còn quý hơn tiền bạc” - Thuyền trưởng Mông nhớ mãi câu chuyện tình người giữa khơi xa.

Hải Luận

Bình luận

ZALO