Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:07 GMT+7

Nhà báo trẻ cần làm chủ phương tiện công nghệ trong thời đại 4.0

Biên phòng - Sáng 17-3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2019, Liên chi hội Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ và chương trình giao lưu "Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo".

f4sjvwhcn3-12173_f_jtcir5lb1_1
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thanh Thuận

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và ông Lê Hoàng Anh Tuấn,Tổng Biên tập Tạp chí Phòng chống Tham nhũng và Hợp tác Quốc tế đồng chủ trì diễn đàn. 

Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, mục đích của cuộc giao lưu là giúp các nhà báo trẻ, sinh viên trường báo giải đáp thắc mắc trong kỷ nguyên số hiện nay. Đồng thời diễn đàn cũng là buổi giao lưu vô cùng ý nghĩa giữa các nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo để qua đó, các nhà báo trẻ có thêm kinh nghiệm trong công việc làm báo hiện nay.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia và các nhà báo lão thành đã có những chia sẻ thực chất về các kỹ năng làm báo đối với các nhà báo trẻ trong thời kỳ hiện nay. 

PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, giới trẻ có nhiều cơ hội tốt để trau dồi và mở mang tri thức hơn so với thế hệ trước. Vì vậy, ông đã nêu ra ba lợi thế giúp các nhà báo trẻ phát huy tối đa khả năng và phát triển nghề. Đó là tư duy phản biện tốt, thành thạo ngoại ngữ và làm chủ phương tiện công nghệ trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là ba yếu tố mấu chốt giúp các nhà báo trẻ phát triển và làm nghề một cách trách nhiệm. Cụ thể, tư duy phản biện sẽ giúp các nhà báo trẻ có được lối nhìn nhận vấn đề một cách riêng biệt. Ngoại ngữ là công cụ để khai thác và kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn. Đặc biệt, nắm chắc các phương tiện công nghệ như làm video, infographic sẽ giúp bài báo trở nên sinh động và thu hút hơn. 

ehqm5nu21w-12173_f_jtcir8et2_2
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nêu quan điểm của mình tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Thuận

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Văn Dững, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, ngoại ngữ là công cụ cực kỳ quan trọng để làm nghề báo. Học ngoại ngữ một cách bài bản, nghiêm túc và nhanh nhất có thể là lợi thế của các nhà báo trẻ. Hơn nữa, mỗi người cần phải có tư duy báo chí sắc bén, làm tin một cách trách nhiệm với độ tin cậy cao. Khiêm tốn và biết lắng nghe sẽ mở đường cho những kinh nghiệm để đời.  

Đưa ra lời khuyên cho các sinh viên báo chí và những nhà báo trẻ, đại diện Hội Nhà báo Lâm Đồng bày tỏ: "Các bạn nên biết cách điều chỉnh cảm xúc, không có cảm xúc thì rất khó làm báo. Tự bản thân mỗi người cần tập cho mình thấm đẫm tính nhân văn. Làm báo cần lắm một trái tim nóng và một cái đầu lạnh". 

Nhà báo Nguyễn Uyển cho biết, các nhà báo trẻ phải đi nhiều nơi, viết thật nhiều phải sống bằng nghề báo và quan trọng nhất phải yêu nghề. Công nghệ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhà báo phải là người xác minh thông tin, đứng về phía người dân để nêu vấn đề phản ánh.

jptbgx8yel-12173_f_jtciwp2y2_3
Sinh viên Đoàn Văn Phương, Khoa Truyền thông, Đại học Thái Nguyên đặt câu hỏi cho các nhà báo. Ảnh: Thanh Thuận

Nói về ý nghĩa của diễn đàn, bạn Đoàn Văn Phương, Khoa Truyền thông, Đại học Thái Nguyên cho rằng: "Đây là diễn đàn rất cần thiết cho sinh viên báo chí, tại đây chúng tôi được giao lưu với các nhà báo có nhiều kinh nghiệm, được họ chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện làm báo. Hơn nữa, những thắc mắc của nhiều sinh viên cũng được giải đáp thực tế..."

Rất nhiều vấn đề liên quan đến báo chí trong thời đại công nghệ 4.0 cũng được các đại biểu và các thế hệ nhà báo, đặc biệt các nhà báo trẻ và các bạn sinh viên ngành báo chí quan tâm và thảo luận.

Với xu hướng cởi mở, chia sẻ diễn đàn đã thực sự là cơ hội cho những người làm báo được giao lưu, học hỏi và đổi mới.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO