Biên phòng - Trong 2 năm qua, nhà báo Hải Luận, hiện công tác tại Báo Biên phòng xuất bản 2 tuyển tập phóng sự về những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Anh là cây bút chuyên viết thể loại phóng sự với nhiều đề tài hấp dẫn, nóng bỏng, đặc biệt là các bài phóng sự viết về ngư dân hành nghề trên biển. Nhà báo Hải Luận đã chia sẻ với bạn đọc nhiều điều thú vị xung quanh câu chuyện nghề nghiệp.

Ngư dân là cả một “bầu trời nguyên liệu”
- Được biết, nhà báo vừa xuất bản cuốn phóng sự “Nhà giữa Biển Đông”. Vậy, lý do tại sao anh lại đặt tiêu đề cho cuốn sách như vậy?
- Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã đi nhiều nơi và nhận thấy rằng, vì cuộc sống mưu sinh, vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, hàng ngày, có hàng triệu ngư dân vẫn đang hiên ngang ra khơi, kiên cường bám trụ, độ bao phủ rộng khắp vùng Biển Đông, Biển Tây của đất nước. Sinh mạng ngư dân giống như “treo” đầu ngọn sóng, với nhiều mối nguy hiểm, bão tố rình rập, sẵn sàng ập đến bất cứ lúc nào, đã có nhiều người phải bỏ mạng giữa biển khơi. Song, họ đã vượt qua tất cả, tàu vào bờ, rồi tàu ra khơi, họ mang theo biết bao niềm tin và hy vọng.
Đặc biệt khi tàu ra khơi, ngư dân mang theo hàng chục nghìn lít dầu và hàng tấn lương thực, thực phẩm đủ sức ở lại sản xuất từ 1 đến 3 tháng giữa Biển Đông. Đa số những tàu đánh cá xa bờ, họ ở lại trên biển từ 60 - 80% thời gian trong năm, chiếc tàu đánh cá vừa là phương tiên mưu sinh, vừa là “ngôi nhà” thứ 2 của họ. Đây là cốt lõi tựa đề cuốn sách “Nhà giữa Biển Đông” mà tôi vừa xuất bản.
- Để chuyên viết bài về ngư dân không phải dễ. Bí quyết nằm ở đâu?
- Nhà báo phải chịu khó, tìm tòi, lăn lộn với thực tế. Mới đây, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôi gọi điện hỏi một cán bộ của Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng về tình hình tàu câu mực xà (mực khơi) hoạt động tại đó như thế nào, thì nhận được câu trả lời: “Tàu mực xà Đà Nẵng đã bị xóa sổ hết rồi, anh muốn biết kỹ hơn thì phải vào Quảng Nam, Quảng Ngãi”. Từ thông tin này, tôi quyết định làm một chuyến dài tới 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng. Tôi đặt ra mấy câu hỏi lớn: Tàu mực xà được xếp vào “ngoại hạng” về độ kiên cường bám biển 3 tháng liên tục/một chuyến biển, độ nguy hiểm bậc nhất trong nghề khai thác biển, tại sao ở Đà Nẵng bị xóa sổ?
Mấy vấn đề trên giống như câu hỏi lớn làm “sườn bài” chính, là mạch trọng tâm trong bài phóng sự của tôi. Ra đến địa bàn, tôi tìm gặp các ông chủ tàu, thuyền trưởng tàu mực xà dạng “có máu mặt” ở trong vùng. Tại sao tôi phải chọn những người này để hỏi chuyện? Vì họ mới thật sự là người “thiệt ăn, thiệt làm”, họ trưởng thành từ người phụ bếp, phụ việc trên tàu cá, rồi “lên đời” thành thợ câu, sắm tàu mới trở thành ông chủ và thuyền trưởng. Mọi ngõ ngách của biển cả, mọi chuyện hiểm nguy, ranh giới giữa sự sống và cái chết trên biển họ đã trải qua và thuộc làu như trong lòng bàn tay. Nếu hỏi chuyện ngư dân, đối với tôi là cả một “bầu trời nguyên liệu” để viết phóng sự, triệt để khai thác ở nhiều góc độ. Từ đó, loạt bài “Trận địa” thúng chai giữa Biển Đông” 4 kỳ của tôi đã ra đời.
Làm bạn với ngư dân
- Anh đã đi theo sản xuất cùng với ngư dân ở ngoài biển khơi xa chưa?
- Tôi thường hay viết phóng sự các nghề khai thác xa bờ, nên phải đi nhiều chuyến biển với tàu ngư dân. Khi ra ngoài biển, mình cũng làm việc giống như một ngư dân, ăn uống họ nuôi mà không làm cùng với họ cũng thấy kỳ lắm. Chẳng hạn, hôm tôi đi với tàu câu cá ngừ đại dương tỉnh Khánh Hòa, quân số có 7 người, ở và làm việc trên chiếc tàu gỗ dài 15m, chỗ ăn ngủ chỉ gói gọn trong ca bin khoảng 10m2. Trải qua 21 ngày lênh đênh trên biển, tôi được chứng kiến cuộc sống cơ cực của bà con. Mấy ngư dân thường nhường cho tôi nằm “chỗ đẹp”, nhưng máy nổ của tàu lúc nào cũng ầm ầm bên tai, hơi nóng của máy tàu từ dưới bốc lên ngùn ngụt, rồi sức nóng của mặt trời từ trên cao rọi xuống. Tôi chịu không nổi, đi tìm chỗ khác để cột võng nằm. Khổ một nỗi, hai đầu cột võng ngắn hơn cơ thể mình, nên phải nằm ở tư thế cong như tôm luộc. Qua những lần trải nghiệm thực tế như thế này mới biết, để đánh bắt được một tạ cá đưa vào bờ bán, ngư dân phải vượt qua vô vàn khó khăn.
- Ngư dân vốn kiệm lời, ngại giao tiếp, nhưng trong các bài viết của anh lại thấy rất nhiều câu chuyện hay của ngư dân. Anh làm cách nào để khai thác được những câu chuyện thú vị đó?
- Đúng vậy, ngư dân rất ít nói, nếu như mình không khéo léo thì chỉ nhặt nhạnh được thông tin “thô” thôi. Hiện nay, có khoảng 20 ông chủ và thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ trở thành những người bạn thân thiết của tôi, thân đến nỗi khi gặp bất cứ chuyện gì xảy ra ở ngoài biển, họ cũng điện thoại báo cho tôi biết đầu tiên. Tôi đến với họ bằng sự chân thành, bằng trách nhiệm của một nhà báo Biên phòng. Ngư dân họ “tinh mắt” lắm, thấy một nhà báo có tấm lòng nặng trĩu với ngư dân, coi họ giống như người nhà, thì họ sẽ nói ra những điều ẩn chứa sâu thẳm bên trong, tâm sự những câu chuyện biển cả cho mình nghe.
- Thời gian tới, anh có ý định tiếp tục theo đuổi đề tài về ngư dân nữa không?
- Đương nhiên rồi. Đối với tôi, viết về ngư dân rất thú vị. Thường thì lúc đầu, khi tiếp xúc với ngư dân, tôi chỉ bắt gặp một vài chi tiết rất nhỏ, nó như những hạt cát nhỏ nhưng lấp lánh nguyên liệu và tôi không dễ bỏ qua. Trong quá trình điều tra thông tin, tôi luôn tìm tòi, khám phá để mở rộng, khai thác nhiều hơn từ thông tin ban đầu. Và nhà báo phải biết cách lựa chọn thông tin, lựa chọn chi tiết đắt giá nhất, để sắp đặt làm nên một “câu chuyện” đầy hấp dẫn nhưng có thật, lôi cuốn bạn đọc.
- Trân trọng cảm ơn nhà báo!
Lê Giang (thực hiện)