Biên phòng - Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút, ngày 1-10-2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế. Với đồng bào các dân tộc thiểu số, xen lẫn trong niềm tiếc thương là hình ảnh về vị Tổng Bí thư mẫu mực, gần gũi, giản dị hiện về.

Người lãnh đạo luôn quan tâm tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong bài viết “Hôm nay bác đã là người dân của bản rồi” in trong cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười – dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - 2012), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng viết: “Tấm lòng bác Đỗ Mười đối với đồng bào các dân tộc lớn lắm, đồng bào rất kính trọng bác. Bác đặc biệt quan tâm đến các tỉnh nghèo, vùng cao, miền núi khó khăn, vùng biên giới... Bác thường hỏi chúng tôi: Đời sống đồng bào có khó khăn lắm không? Có bị đói không? Có đủ muối i-ốt không? Ruộng nương của bà con có bị sương muối không?".
Đồng chí Tòng Thị Phóng nhớ lại, khi còn trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Sơn La tháp tùng Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm công trình thủy điện Sơn La: “Bác dặn chúng tôi: Các anh chị phải nghiên cứu kỹ, lo cho dân làm sao đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm đời sống cho dân, coi đó là trọng tâm số một của tỉnh. Phải nghe dân, bàn với dân giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc rồi mới quyết định.
Phải giải thích cho dân hiểu vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà mỗi người, mỗi gia đình phải cố gắng đoàn kết yêu thương nhau. Nghe bác dặn câu này, tôi rất cảm động về sự chăm lo của bác, của Trung ương với đồng bào các dân tộc thiểu số, dặn dò chúng tôi, phải chăm lo chu đáo cho đồng bào khi di dân để xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La.
Những năm sau này, khi tôi về công tác ở Ban Dân vận Trung ương, rồi chuyển sang công tác bên Quốc hội, bác Mười vẫn luôn căn dặn tôi: Cháu phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, giúp dân hiểu, dân biết, nhưng còn phải để cho dân kiểm tra. Cháu nên nhớ phương châm công tác dân vận là gần dân, hiểu dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với dân".
Là đại biểu Quốc hội của tỉnh Kon Tum từ khóa VII đến khóa IX, bà Y Xuôi, dân tộc Xê Đăng đã nhiều lần được vinh dự trò chuyện, làm việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nghe tin nguyên Tổng Bí thư từ trần, bà Y Xuôi xúc động cho biết: “17 năm trong Quốc hội từ khóa VII cho đến khóa IX, tôi rất gần gũi với bác và thấy rằng bác là một người rất giản dị, rất quần chúng, rất sâu sắc. Trên vị trí Tổng Bí thư, bác đặc biệt quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, là một đồng chí sâu sát cơ sở. Đó là điều mà tôi thấy rất cảm động”.
Không để đồng bào thiếu đất sản xuất
Trong ấn tượng của ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là “một con người rất xông xáo, có ý chí ngùn ngụt, tinh thần làm việc quên mình, lo lắng việc của Đảng, của dân”. Theo ông Ksor Phước, cũng như đồng bào cả nước, ở Tây Nguyên đa số người dân đều biết và kính trọng bác Đỗ Mười. Nói đến bác, ai cũng nghĩ đó là người cộng sản chân chính, lúc nào cũng suy nghĩ đau đáu phải làm gì tốt hơn để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
“Trong một cuộc họp quan trọng bàn về vấn đề kinh tế - xã hội vùng miền Trung - Tây Nguyên, tôi đã tham gia phát biểu. Trong phát biểu của mình, tôi có phản ánh ở tỉnh Gia Lai, đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, nhiều nơi do nghèo, thiếu vốn sản xuất bà con phải làm thuê ngay lên mảnh đất của mình. Tôi vừa phát biểu xong, bác Đỗ Mười đi thẳng đến bàn tôi hỏi: Tại sao đồng chí không báo hay viết thư cho Tổng Bí thư biết những khó khăn thiếu đất sản xuất của đồng bào Tây Nguyên?
Tôi trả lời việc này chỉ là chuyện nhỏ, kéo dài gần chục năm nay, tôi tưởng ở Trung ương ai cũng biết cả rồi. Bác Đỗ Mười nói: Vấn đề này rất lớn, như vậy là nghiêm trọng lắm, vì sao để thiếu đất sản xuất ngay trên quê hương mình, mục tiêu của cách mạng là người cày phải có ruộng.
Sau buổi họp đó, bác tâm tư, trăn trở lắm. Hôm sau, đồng chí thư ký của bác là ông Phan Trọng Kính nói với tôi: Nghe anh phát biểu về tình hình bà con thiếu đất sản xuất làm bác mất ngủ. Bác đặt vấn đề họp xong sẽ lên thăm bà con tỉnh Gia Lai ngay..." - Ông Ksor Phước xúc động kể lại.
Ngày 26-4-1997, sau buổi làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai, Tổng Bí thư Đỗ Mười trực tiếp xuống thăm và làm việc tại huyện Chư Pah, huyện Mang Yang. Bác chú ý lắng nghe các ý kiến của cơ sở kiến nghị những vướng mắc về cơ chế cần tháo gỡ và cho ý kiến về tăng cường đại đoàn kết dân tộc; khai thác mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, phát huy nội lực đưa Tây Nguyên vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Bác chỉ ra: Việc chăm lo phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, số một của chúng ta từ Trung ương đến địa phương và tới cơ sở...
“Bác căn dặn chúng tôi: Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Các đồng chí phải nâng cao cảnh giác vì Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm về quân sự, kinh tế, chính trị, bọn thù địch tìm mọi cách chống phá ta. Cần tôn trọng tín ngưỡng của dân, không lẫn lộn tín ngưỡng tôn giáo với hoạt động chính trị, phản động. Nếu không cẩn thận, các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng phá hoại đoàn kết gây chia rẽ dân tộc để chống phá chính quyền cách mạng. Điều cơ bản nhất là khi đời sống của dân được nâng cao, dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, bọn phản động sẽ không có đất hoạt động. Vì vậy, điều cốt lõi là phải giữ được khối đại đoàn kết”- Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhớ lại.
Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào Tây Nguyên, Chính phủ đã có nhiều giải pháp giúp Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất. Sau này, một số lâm - nông trường của Nhà nước đã giao lại một phần đất, một phần rừng cho dân quản lý, sản xuất. Các địa phương đã hoàn thành cơ bản việc giúp dân định canh, định cư, đời sống nhân dân ngày càng ổn định...
Tưởng nhớ đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, chúng ta nhớ đến nhà lãnh đạo tài năng, tư duy nhạy bén, sắc sảo, lý luận gắn liền với thực tiễn, sâu sát thực tế. Đặc biệt, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm chắc tình hình, giúp Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách thiết thực, nhất là chính sách đại đoàn kết dân tộc do đồng chí đề xuất. Vì vậy Nghị quyết 07 ngày 17-11-1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” đã ra đời. Nhờ chính sách này, Đảng và Nhà nước đã phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là tiền đề để đến năm 1998 xây dựng quy chế dân chủ cơ sở.
Vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười! Tổ quốc và nhân dân mãi nhớ tới hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, gần gũi, trung kiên, nhiệt huyệt cách mạng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân.
HL