Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 09:29 GMT+7

Nguyễn Phú - người mang sức trẻ vào bài chòi

Biên phòng - Gặp gỡ và trò chuyện trong khuôn khổ Hội diễn Đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, biển đảo lần thứ X, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tôi mới hay Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là người đã đồng hành với công tác tuyên truyền văn hóa của BĐBP Bình Định gần một thập kỷ qua. Không những thế, anh là một trong số ít nghệ nhân hiếm hoi của loại hình văn hóa dân gian hát hô bài chòi hiện nay.

lt9z_22
Nghệ nhân Nguyễn Phú. Ảnh: TTH 

Nghệ nhân Nguyễn Phú tự nhận mình là một chiến sĩ “nghiệp dư”. Hằng năm, theo quy chế phối hợp giữa ngành văn hóa và BĐBP, anh thường hỗ trợ các cán bộ làm văn hóa của BĐBP Bình Định và các đồn, trạm chuẩn bị chương trình văn nghệ quần chúng kết hợp với tuyên truyền văn hóa. Dần dà, ngoài mối quan hệ công việc, tình thân giữa nghệ nhân và anh em Biên phòng trở nên gắn kết như người một nhà bởi mục tiêu chung là hoạt động văn hóa quần chúng. Anh nói: Càng được biểu diễn, hát cho bà con xa xôi ở vùng biển, hải đảo nghe thì càng làm cho người nghệ sĩ thêm phấn khích, sáng tạo, qua đó đạt nhiều thành tích trong hoạt động chuyên môn. Mỗi chương trình phối hợp với BĐBP, nghệ nhân Nguyễn Phú đều bỏ công sức tìm hiểu, cập nhật các thông tin mới, yêu cầu đòi hỏi mới của công tác biên phòng hiện nay để đưa vào các tiết mục biểu diễn. 

Nghệ nhân Nguyễn Phú năm nay 48 tuổi, là cán bộ của Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Tuy Phước. Anh là minh chứng cho khởi đầu thời kỳ loại hình văn hóa dân gian bài chòi được phục hưng mạnh mẽ trên chính mảnh đất quê hương Bình Định bằng việc trẻ hóa thế hệ nghệ nhân dân gian. Không ai ngờ rằng, Nguyễn Phú thoạt nhìn như một thanh niên trẻ đô thị, lại vào vai rất ngọt với dáng vẻ một anh hiệu (người dẫn trò trong chơi hát hô bài chòi) “già đời”, hóm hỉnh, khéo léo đã hơn 25 năm qua.

Với giọng hát trời phú lúc mỏng mảnh như bay vút, lúc trầm nặng sâu thẳm rất đặc trưng của dân ca Nam Trung bộ, nghệ nhân Nguyễn Phú có điều kiện để sáng tạo trong biểu diễn, hấp dẫn người nghe ở bất cứ sân khấu nào anh tham gia. Cái khó của bài chòi không chỉ hát, mà còn phải biết làm trò, làm chủ trình thức, bao sân khấu, dẫn lối chơi, hát dâng thưởng, nghệ nhân lại hát như rong chơi, bởi anh đã mang sẵn trong mình tính cách và tâm hồn của một nghệ sĩ dân gian thực thụ. 

Anh Phú chia sẻ, so với Quảng Nam, Bình Định chậm hơn một chút trong tiến trình bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa bài chòi. Quảng Nam có du lịch đã phát triển nhiều năm qua và môi trường du lịch đã nuôi dưỡng, tạo đà phát triển cho nghệ thuật dân gian ở lại với đời sống. Bình Định không nổi bật với các khu du lịch tập trung, nghệ nhân lại hiếm hoi. Thế hệ những người gìn giữ dân ca bài chòi già yếu dần, vì vậy giờ đây, nhắc đến dân ca bài chòi, người ta thường kể đến Hội An, chứ không nghĩ đến việc bài chòi đang dần có tên trong đời sống người dân xứ nẫu.

Với khát vọng mang dân ca bài chòi phát triển cực thịnh trên quê hương mình, Nguyễn Phú không chỉ biểu diễn, anh còn xây dựng chương trình, sáng tạo ra các câu thai và tuân thủ cách chơi bài chòi Bình Định để tạo ra phong cách riêng. Những năm gần đây, huyện Tuy Phước khôi phục Hội đánh bài chòi dân gian, chú ý đến những hạt nhân năng khiếu để gom lại thành câu lạc bộ bài chòi cổ. Hằng năm, các câu lạc bộ thi diễn với nhau và mỗi dịp này được nhân dân hưởng ứng tham gia và vô cùng yêu thích. 

Xuất thân từ một cán bộ đoàn xã, rồi cán bộ văn hóa huyện, vì đam mê bài chòi mà tự học hỏi trở thành nghệ nhân, Nguyễn Phú thấm thía gian nan của con đường nghệ thuật quần chúng trở thành kỹ nghệ riêng của mỗi nghệ nhân. Anh phải tự sắp xếp thời gian khoa học để vừa học, vừa diễn, vừa rút kinh nghiệm lại duy trì sức sáng tạo của mình. Anh nói, cùng với nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể bài chòi, không thể thiếu sự truyền dạy của các nghệ nhân. 

Ngoài khả năng diễn xuất, các anh hiệu/chị hô trong sân bài chòi phải thông thuộc các câu thai cổ, hiểu ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong câu ca của người xứ nẫu. Một câu hát có nhiều nghĩa, mỗi ngữ nghĩa lại bao hàm nhiều truyền thuyết điển tích mà người hát phải hiểu thì có thể chuyển tải được tinh thần văn hóa, sự thú vị đến người nghe. Vì vậy, nghệ nhân Nguyễn Phú và nhiều thế hệ nghệ nhân khác luôn chỉ bảo tận tình kể cả đối với những người muốn nghiên cứu, yêu thích và tìm hiểu bài chòi. Chỉ tiếc rằng, Bình Định với nhân tố, tài năng văn nghệ dân gian tiềm ẩn trong các làng quê nhưng chưa có một môi trường du lịch, giao tiếp đông đúc để bài chòi có nhiều dịp được thể hiện. Kể cả những năm gần đây, du lịch đã phát triển và các làng chài Bình Định đều đã có một diện mạo mới, trở thành địa danh cát trắng nắng xanh đẹp nhất Nam Trung bộ, vẫn không có những địa danh mà người yêu thích bài chòi phải tìm đến chơi và nghe cho “đã”. Mà về Bình Định, không được nghe bài chòi, không được xem múa quyền đất võ, còn chi là về - Nghệ nhân Nguyễn Phú cười hiền. 

May mắn được là học trò của nghệ nhân Minh Đức - một danh ca bài chòi xứ nẫu, Nguyễn Phú yêu bài chòi không quá sớm, lại tiếp cận bài chòi ở khía cạnh những vở diễn tuyên truyền văn hóa, anh đã dần đi về cái nguyên gốc của bài chòi cổ. Phát hiện ra cái hay của bài chòi rồi, say không thoát ra được - anh nói. Anh say sưa đi tìm các câu thai cổ, nhuần nhuyễn nó rồi phóng tác theo ý mình, tài tình đến mức đưa cả được rượu bàu đá, nem chợ Huyện quê anh vào câu hát. Chơi hoài mà hô mãi câu cũ, thì không đánh đố được người chơi, không tạo được ra bất ngờ và tương tác - đặc trưng của loại hình diễn xướng dân gian này. Vậy nên, mỗi lần hát câu mới, dí dỏm, bà con cười lăn, vỗ tay khen ngợi chỉ tay liền: Nay hát câu mới nè, là anh hiệu Nguyễn Phú cảm thấy đó là phần thưởng quý cho công sức của mình.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO