Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Nguyễn Hữu Cảnh, tướng tài mở cõi

Biên phòng - Cha Nguyễn Hữu Cảnh là tướng Nguyễn Hữu Dật, ông nội là tham tán Nguyễn Triều Văn. Cả ba thế hệ đều phò tá nhà Nguyễn từ hồi chúa Nguyễn Hoàng vượt Đèo Ngang vào Nam lập nghiệp. Nguyễn Hữu Cảnh biết tập hợp các sắc dân cùng khai phá vùng châu thổ Cửu Long để có được sự trù phú như hôm nay.

dm2t_23c
Cầu Ghềnh 100 tuổi nối Biên Hòa và Cù Lao Phố, nơi đóng bản doanh của Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Tư liệu Viện Khảo cổ

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, tại Quảng Bình, trong lúc ông nội là người đồng hương với các chúa Nguyễn ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Bối cảnh lịch sử lúc này: Đàng Ngoài, vua Lê Thần Tông trị vì nhưng thực quyền lại thuộc về chúa Trịnh Tráng, chính trị bùng nhùng, có nguy cơ suy vong. Đàng Trong là chúa Nguyễn Phúc Tần cai trị một vùng và ngày càng lớn mạnh. Vì thế mà cuộc chiến tranh Nam Bắc triều nổ ra mỗi lúc một căng thẳng, đất nước lại luôn luôn bị phương Bắc lăm le xâm lược, biên giới phía Nam bị vua Chiêm Thành, Chân Lạp và Xiêm quấy nhiễu. Là con nhà dòng dõi, ông sớm nối nghiệp cha ông lập nên nhiều công lớn trong việc mở rộng bờ cõi và thống nhất đất nước.

Mới 20 tuổi, ông đã được giao cho chức Cai cơ và nổi tiếng trên chiến trường. Ngoài 40 tuổi, ông được phong làm Lễ Tài Hầu rồi Thống Binh, cầm quân dẹp loạn Chiêm Thành, lúc này do vua Chiêm là Bà Tranh thường đem quân sát hại dân Việt ở vùng Diên Khánh. Năm 42 tuổi, ông đã bình định và mở rộng biên cương phía Nam, thành lập trấn Thuận Thành (Bình Thuận và Ninh Thuận ngày nay) (theo Đại Nam thực tục). 

Năm 44 tuổi, Nguyễn Hữu Cảnh được phong chức Chưởng Cơ, trấn thủ đất Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay). Năm 48 tuổi, Nguyễn Hữu Cảnh lại được phong làm Thống Suất và được cử vào kinh lược xứ Đồng Nai. Ông đóng quân ở Cù Lao Phố, một cảng thị sầm uất nhất đất Chân Lạp bấy giờ. Ông đã thành lập nhiều xóm làng, ổn định dân tình, lập Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Về mặt kinh tế, ông cho mở rộng đất đai ra ngàn dặm, chiêu mộ người Việt từ châu Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) trở về Nam vào vùng châu thổ Cửu Long để khai phá. Mọi lưu dân người Việt, người Hoa đều được chia ruộng đất, đóng thuế cho nhà Nguyễn. Dân số được thêm 4 vạn hộ. 

Năm Nguyễn Hữu Cảnh 49 tuổi, vua Chân Lạp đem quân sang cướp bóc dân buôn và đánh Đại Việt. Ông được chúa Nguyễn cử làm Thống Binh đi đánh dẹp. Thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã đến tận thành La Bích (Nam Vang) đánh tan quân Chân Lạp. Sau đó, vua Chân Lạp quy hàng, quân Đại Việt rút về biên giới. Chính sách của Nguyễn Hữu Cảnh là khích lệ dân chúng cùng phát triển kinh tế, không phân biệt người Việt, Khmer hay Hoa. Ông đóng quân ở cồn Cây Sao (nay thuộc Chợ Mới, An Giang). Đến nay, người địa phương gọi nơi ông đóng quân là cù lao Ông Chưởng. Sau một thời gian, ông kéo quân về Sầm Giang (nay là Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì mất do bệnh tật, hưởng thọ 51 tuổi. 

Nguyễn Hữu Cảnh đã được chúa Nguyễn Phúc Chu sắc tặng là Hiệp Tán Công Thần. Nhân dân các dân tộc ở vùng đất mới khai phá đều quý mến và mang ơn ông đã cho họ cuộc sống ấm no. Người Khmer đã lập miếu thờ ông. Nơi cù lao ông dưỡng bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ ông và được gọi là cù lao Ông Lễ (vì năm 1767, ông được truy phong là Lễ Thành Hầu). Chỗ di quan tài về ở dinh Trấn Biên cũng được lập miếu thờ. Vua Gia Long đã cho bài vị ông được thờ trong Thái Miếu (Kinh đô Huế), được liệt vào hàng Thượng Đẳng Công Thần vào năm 1805. Vua Minh Mệnh đã truy phong ông là Thần Cơ Doanh Đô Thống Chế Vĩnh An Hầu (chức quan võ đứng đầu Thần Cơ Doanh, chuyên bảo vệ Kinh thành).

Nhiều thành phố đã đặt đường phố mang tên Nguyễn Hữu Cảnh, nhất là những nơi ông đã từng có công mở mang như thành phố Châu Đốc có tên đường Thượng Đăng Lễ, một chức tước của ông. Tại thành phố Hồ Chí Minh có tên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhiều đình đền thờ ông như đền Bình Thủy (An Giang). Lăng mộ của ông được triều Nguyễn an táng ở tỉnh Quảng Bình, nơi ông sinh ra. Nhân dân các nơi khác cũng lập đền thờ ông như Quảng Nam, Cù Lao Phố (Biên Hòa), đình Minh Hương Gia Thanh của người Hoa ở Chợ Lớn, đền thờ ở Nam Vang của người Khmer...

Lịch sử dân tộc đã ghi công lao Nguyễn Hữu Cảnh trong sự nghiệp mở cõi, công lao đoàn kết cộng đồng người Kinh, người Chăm, người Khmer, người Hoa chung sức cùng biến một vùng đất vốn sình lầy, nhiều kinh rạch thành mảnh đất trù phú, cương vực phương Nam của nhà Nguyễn.

Giáo sư Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO