Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh với biên giới, biển đảo của Tổ quốc

Biên phòng - Đất nước ta có hơn 3.620km đường bờ biển, hàng nghìn đảo và quần đảo, vùng đặc quyền kinh tế rộng. Điều này đặt ra một thách thức rất lớn về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh lãnh thổ của quân, dân ta. Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là người có đóng góp quan trọng để xây dựng thế trận vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên tuyến biển, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Ngay từ năm 1987, khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề phòng thủ biển đảo và thềm lục địa. Cả cuộc đời cống hiến cho sự phát triển đất nước, Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh luôn đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo lên hàng đầu.

vbpa_3a
Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thị sát Trường Sa, tháng 5-1988. Ảnh: Tư liệu

Năm 1986, âm mưu của nước ngoài muốn tranh chấp chủ quyền với nước ta ở các đảo chìm dần lộ rõ. Bộ Tư lệnh Hải quân đã báo cáo với đồng chí Lê Đức Anh, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để có hướng xử lý. Đại tướng đã lập tức báo cáo Bộ Chính trị, bằng mọi biện pháp đưa quân ra đóng giữ các đảo chìm. Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc của Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó đã khiến các cán, bộ chiến sĩ Hải quân thêm vững niềm tin, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tháng 3-1988, Đại tướng Lê Đức Anh đã có chuyến đi ra Trường Sa. Đại tướng đã nhiều ngày lênh đênh trên biển, ròng rã đi thị sát, kiểm tra các đảo chìm, đảo nổi, động viên tinh thần chiến sĩ, chỉ đạo Bộ Quốc phòng quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội Trường Sa, phát động phong trào toàn quân hướng về Trường Sa và báo cáo Bộ Chính trị phát động phong trào “Cả nước vì Trường Sa”. 

Sau chuyến đi lịch sử đó, chỉ hơn một tháng sau, Đại tướng Lê Đức Anh lại tiếp tục ra Trường Sa một lần nữa. Đó là sự kiện tổ chức mít tinh kỷ niệm 33 năm thành lập Bộ đội Hải quân (7/5/1955 -7/5/1988) cùng với cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa. Trong buổi lễ xúc động ấy, Đại tướng đã đọc lời thề thiêng liêng trước tổ tiên, trước hương hồn các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, phải bằng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc:...Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế. 

Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh giữa muôn trùng sóng vỗ Trường Sa năm ấy trở thành một khoảnh khắc lịch sử mãi khắc ghi trong lòng những thế hệ người Việt luôn quyết tâm giữ vững từng tấc đất quê hương.  

Ngày nay, huyện đảo Trường Sa đã vững mạnh về mọi mặt, là điểm tựa cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là điểm tựa cho các ngư dân vươn khơi bám biển. Đại tá Nguyễn Văn Á, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Từ những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, đến nay, các hoạt động trên quần đảo Trường Sa gặt hái được nhiều kết quả rất khả quan. Đặc biệt là về phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân trên đảo Trường Sa ngày càng phát triển”. 

Sau này, khi Đại tướng Lê Đức Anh không còn công tác trong quân đội, nhưng với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân - Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, biên giới. Năm 1997, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Pháp lệnh BĐBP. Đó là Pháp lệnh số 55/L/CTN ngày 7-4-1997.

Pháp lệnh có 7 chương, 33 điều. Điều 1, Pháp lệnh khẳng định: “Xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là nghĩa vụ của toàn dân. BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là một thành phần của QĐND Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới”.

Ngay từ khi Pháp lệnh BĐBP có hiệu lực, ngày 7-4-1997, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Những năm giữ cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên thăm hỏi, động viên và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, nhất là các đồn, trạm Biên phòng ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.  

Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng đã kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam thay thế Pháp lệnh BĐBP. Từ sau sự kiện Đại tướng Lê Đức Anh ký Pháp lệnh BĐBP, đến nay, sau hơn 20 năm, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn được giữ vững. Thành tựu đó xuất phát từ truyền thống đấu tranh giữ nước của ông cha ta, từ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, từ sức lực của toàn dân và từ sự can trường, hy sinh to lớn của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam nói chung, BĐBP nói riêng.  

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, nhà lãnh đạo tài năng đã đi xa, nhưng những đóng góp của ông với đất nước, quân đội và đặc biệt về lĩnh vực biển đảo, biên giới luôn được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta khắc ghi trong tâm trí.

Lê Quý Hoàng

Bình luận

ZALO