Biên phòng - Libya đang có nguy cơ rơi vào cuộc nội chiến toàn diện khi cuối tuần qua, lực lượng đối lập trung thành với chính quyền ở miền Đông, do tướng Khalifa Haftar đứng đầu, đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát Thủ đô Tripoli bất chấp các nỗ lực can ngăn của Liên hợp quốc.

Trận chiến giành quyền kiểm soát Tripoli đánh dấu sự leo thang bạo lực lớn nhất tại đất nước dầu mỏ Libya kể từ khi xảy ra vụ lật đổ ông Muammar Gaddafi năm 2011, kéo theo các vụ nổi loạn dân túy cùng các vụ đánh bom do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành.
Theo đài truyền hình Al-Arabiya, tại cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 5-4, tướng Khalifa Haftar cho biết, sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tấn công trên không và trên bộ nhằm vào Thủ đô Tripoli. Theo đó, lực lượng đối lập tự phong Quân đội Quốc gia Libya (LNA), đã tiến gần đến ngoại ô Tripoli và đụng độ với lực lượng dân quân của Chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở miền Tây. Tối 5-4 (giờ địa phương), lực lượng LNA tuyên bố đã chiếm được sân bay quốc tế cũ ngoại ô Tripoli. Cuộc tấn công của LNA làm 21 người thiệt mạng và 90 người bị thương.
Nếu chiến tranh xảy ra giữa lòng Thủ đô Tripoli, điều này sẽ làm sâu sắc thêm sự hỗn loạn tại đất nước Bắc Phi - vốn đang là nơi tập trung nguồn di cư khổng lồ tới châu Âu. Sự bất ổn gia tăng có thể khiến các nhóm phiến quân tập hợp, đồng thời buộc người dân phải di cư sang các nước khác lánh nạn.
Lực lượng LNA liên kết chặt chẽ với chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ được quốc tế công nhận có trụ sở tại Thủ đô Tripoli, chỉ kiểm soát các khu vực phía Tây Libya. Một bộ phận không nhỏ lực lượng vũ trang tại Libya coi tướng Khalifa Haftarlà một nhà độc tài giống với cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. Các lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở miền Tây đã tiến hành các cuộc phản công để bảo vệ Thủ đô Tripoli.
Cuộc tấn công của LNA khiến người dân Libya và cộng đồng quốc tế bất ngờ. Chuyến thăm tới Libya vào tuần trước của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres được cho là nhằm đưa các bên đối lập tham gia hội nghị hòa giải quốc gia dự kiến tổ chức cuối tháng này; đồng thời thiết lập lộ trình cho cuộc bầu cử đã bị trì hoãn từ lâu.
Mỹ và các nước khác đã lên tiếng kêu gọi LNA cần giảm leo thang căng thẳng khẩn cấp. Ngoại trưởng Mỹ Nike Pompeo cho biết, Mỹ quan ngại sâu sắc tình hình căng thẳng tại Libya sẽ gây nguy hại cho người dân và ảnh hưởng đến nỗ lực giải quyết tranh chấp tại Libya trong hòa bình. Bộ Chỉ huy quân sự của Mỹ tại châu Phi đang tạm thời rút quân khỏi Libya để đảm bảo an toàn cho binh lính nước này. Những năm gần đây, Mỹ duy trì một số lượng nhỏ binh lính tại Libya để giúp lực lượng địa phương chống lại phiến quân của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời giúp bảo vệ các cơ sở ngoại giao. Ấn Độ cũng đã sơ tán một số binh lính gìn giữ hòa bình của nước này tại Libya do quan ngại chiến sự xảy ra trong Thủ đô Tripoli.
Hiện vẫn chưa rõ liệu việc lực lượng LNA chiếm được khu vực gần ngoại ô Tripoli có đem lại ưu thế cho tướng Khalifa Haftar trong những cuộc đàm phán tương lai hay không. Theo các nhà điều tra của Liên hợp quốc, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập đang hỗ trợ binh lính cho chiến dịch tấn công của tướng Khalifa Haftar. Pháp cũng đang ủng hộ tướng K. Haftar bằng cách hỗ trợ các cố vấn của nước này cho lực lượng LNA.
Sự tham gia của nhiều phía trong chiến dịch tấn công của tướng Khalifa Haftar cho thấy nguy cơ đẩy Libya vào cuộc nội chiến tồi tệ. Bên cạnh đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể lợi dụng tình hình rối ren tại Libya để củng cố lực lượng và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
Hà Thu