Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Biên phòng - Làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: minh họa

Từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9, các địa phương ghi nhận gần 10% số doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc.

Song tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 114 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với tổng số lao động đăng ký là gần 600 nghìn người. Với tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực cùng tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh, dự báo, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất.

Thực tế, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam đang đứng trước mối lo thiếu lao động để đáp ứng tiến độ đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã buộc người lao động phải tìm công việc khác, hoặc rời các khu công nghiệp về quê tránh dịch, để lại “khoảng trống” việc làm tại nhiều doanh nghiệp.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử... là rất lớn.

Các chuyên gia lao động lo ngại, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung - cầu lao động. Các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ đứng trước vấn đề nghiêm trọng là thiếu hụt lao động để phục hồi sản xuất. Trong khi đó, ở một số địa phương, người lao động trở về lại dư thừa nhân lực. Đơn cử, trong những tháng cuối năm, thị trường lao động của tỉnh Bình Dương thiếu hụt ít nhất 40 nghìn lao động; thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 147 nghìn lao động...

Cho dù các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chính sách nhằm giữ chân người lao động như: lương, phụ cấp hấp dẫn; hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng... nhưng cũng đã kiệt sức sau thời gian dài sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Muốn huy động đủ lao động trở lại làm việc để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp buộc phải trông chờ vào những chính sách của Nhà nước.

Nhiều chuyên gia dự báo, nguồn lao động không thể trở lại trong thời gian ngắn hạn. Trong giai đoạn đó, các doanh nghiệp vốn đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng quy mô toàn quốc, thậm chí là toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng lao động có thể sẽ xảy ra khi nơi thừa, nơi thiếu.

Cục Việc làm cũng cho rằng, ngoài ưu tiên tiêm phòng vaccine cho lao động để tạo tâm lý tốt, giúp họ an tâm ở lại làm việc thì cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất, phí, điện, nước, xăng dầu...

Rõ ràng, hỗ trợ an sinh, chăm lo cho người lao động đang làm việc và không bỏ sót lao động mất việc chính là cách duy trì nguồn lực sản xuất bền vững. Gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ (Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021) là một quyết sách mang tầm quốc gia để phục hồi nguồn lực lao động.

Thông qua nhiều chính sách đang được triển khai, tin tưởng rằng, mức độ tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm sẽ giảm dần, cả nước có thể đạt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hơn 1 triệu người lao động trong năm 2021.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO