Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 03:26 GMT+7

Nguy cơ nội chiến ở Li-bi

Biên phòng - Ba năm kể từ sau khi nhà lãnh đạo Mô-a-mơ Ca-đa-phi bị lật đổ, đất nước Li-bi lại đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và dân chủ mới khi cùng một lúc có đến hai Chính phủ, hai Quốc hội trong cùng một đất nước. Tình trạng bất ổn chính trị cũng đã tạo điều kiện cho các hoạt động chống phá, tấn công khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan gia tăng, đe dọa nhấn chìm quốc gia Bắc Phi này vào biển lửa của nội chiến.

Tranh giành quyền lực giữa các nhóm vũ trang

Li-bi đến nay vẫn chưa thể thành lập một chính phủ cầm quyền chính thức. Các lực lượng từng chung vai lật đổ chính quyền cũ giờ quay sang tàn sát lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực và mở rộng vùng kiểm soát. Trong khi đó, các nhóm vũ trang và bộ tộc có liên hệ với chế độ cũ thừa cơ trỗi dậy, quyết giành lại các đặc quyền trước đây.

al2f_libya-1.jpg
Khói lửa bốc lên trong một trận chiến giữa các nhóm vũ trang ở Ben-ga-di, thành phố lớn thứ hai ở Li-bi. Ảnh: EPA

Một số phong trào Hồi giáo cực đoan lợi dụng tình hình hỗn loạn để tập hợp các tay súng thánh chiến với âm mưu biến quốc gia sa mạc rộng lớn này thành "sân chơi" của chủ nghĩa khủng bố, không chỉ đe dọa các nước láng giềng trong khu vực mà cả các quốc gia bên kia bờ Địa Trung Hải… Trong bối cảnh chính quyền trung ương hầu như không tồn tại, các nhóm này ra sức hoành hành và cướp phá.

Trong số các phe nhóm này, phải kể đến Din-tan và Mi-xra-ta, là hai lực lượng tới từ hai thị trấn cùng tên ở phía Đông Tri-pô-li. Hai nhóm này từng nằm trong số những lực lượng từng sát cánh bên nhau, nhưng nay đã trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt, trở thành những nhân tố góp phần gây bất ổn cho Li-bi.

Các cuộc giao tranh đẫm máu giữa hai lực lượng này bùng phát từ giữa tháng 7 vừa qua tại sân bay quốc tế ở thủ đô Tri-pô-li, ngay sau khi nhóm Din-tan bàn giao lại hai sân bay Tri-pô-li và Mi-ti-ga mà lực lượng này kiểm soát từ năm 2011 cho chính quyền trung ương. Nhưng tại đây, nhóm tay súng Mi-xra-ta, được cho là cánh vũ trang của phe Hồi giáo trong Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC-Quốc hội đã mãn nhiệm của Li-bi), đã bắn hàng chục tên lửa vào sân bay và tấn công lực lượng dân quân Din-tan đang kiểm soát bên trong.

Kể từ đó, đất nước Li-bi tiếp tục rơi vào các cuộc giao tranh đẫm máu. Đến nay, các chiến binh Hồi giáo đã chiếm sân bay Tri-pô-li, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Li-bi. Bạo lực lan rộng không chỉ sát hại những người vô tội mà còn đẩy đất nước này đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi thiếu nhân viên y tế chăm sóc cho những người bị thương. Hàng loạt quốc gia cũng đã phải sơ tán công dân khỏi Li-bi do lo ngại an ninh.

libya-1-1.jpg
Mặt trước sân bay quốc tế Tri-pô-li có thể chụp ảnh được sau một đợt pháo kích. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến giữa các nhóm vũ trang mà chính phủ không thể kiểm soát không chỉ làm rối loạn đời sống chính trị của Li-bi mà còn khiến nền kinh tế vốn yếu kém của Li-bi càng thêm khủng hoảng. Từng là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba châu Phi, Li-bi một thời là "mảnh đất vàng" cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, với tình hình bất ổn triền miên, các nhà đầu tư đã phải từ bỏ Li-bi và đến nay vẫn chưa dám trở lại nước này. Sản xuất dầu mỏ, huyết mạch của kinh tế Li-bi, cũng bị các cuộc biểu tình ở các mỏ dầu và hải cảng làm suy giảm, khiến đất nước vào cảnh khủng hoảng ngân sách trầm trọng.

Bế tắc chính trị

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của các vụ đụng độ gần đây tại Li-bi là do lực lượng Hồi giáo muốn tìm cách giành kiểm soát các khu vực chiến lược ở thủ đô Tri-pô-li, nhằm duy trì vị thế là một nhân tố chính trên chính trường. Một thực tế là, trong cuộc bầu cử Quốc hội (ngày 25-6) vừa qua, kết quả cho thấy phe Hồi giáo vốn trước đó đang chi phối Quốc hội đã bị rơi vào tình trạng thất thế.

Sau khi kết quả được công bố, các nghị sỹ của GNC đã không công nhận Quốc hội mới được bầu trên, đồng thời còn chỉ định ông Ô-ma An Ha-xi - một nhân vật ủng hộ Hồi giáo - làm Thủ tướng mới. Trong khi đó, Quốc hội mới được bầu cũng đã có phiên họp đầu tiên vào ngày 4-8 và bầu ông Áp-đun-la An Thin-ni làm Thủ tướng tạm quyền. Quốc hội mới được bầu cũng lên tiếng chỉ trích các phiên họp của GNC cũng như quyết định bầu ông Ha-xi làm Thủ tướng mới tại phiên họp này là "bất hợp pháp".

Mới đây, trong một động thái nhằm mở đường cho việc thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội, ngày 28-8, Thủ tướng tạm quyền Li-bi Áp-đu-la An Thin-ni cùng toàn bộ nội các đã tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, Thủ tướng Ha-xi do GNC bầu lên lại có một động thái mới là lựa chọn 7 ứng cử viên tham gia nội các của mình. Điều này cho thấy, GNC chưa ngừng từ bỏ ý định duy trì kiểm soát trên chính trường. Tuy nhiên, hiện cả GNC và ông Ô-ma An Ha-xi đều không được quốc tế công nhận. 

Trước những bế tắc ở Li-bi, các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế đang rất lo ngại những xung đột về bạo lực và quyền lợi ở Li-bi có thể đẩy nước này vào nội chiến và đe dọa trực tiếp tới an ninh trong khu vực.

Có thể thấy, tình trạng hỗn loạn tại Li-bi đã vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi hoạt động của các cơ quan chính phủ chủ chốt bị tê liệt hoàn toàn. Đất nước rộng lớn giàu tài nguyên thiên nhiên này đang bị chia nhỏ thành các "lãnh địa", đặt dưới quyền cai quản của hàng trăm nhóm vũ trang thuộc nhiều bộ tộc và nhiều vùng miền khác nhau.

Các nhà phân tích cho rằng, tình trạng bất ổn chính trị và an ninh nói trên không chỉ làm ngưng trệ các nỗ lực tái thiết chỉ vừa mới bắt đầu tại Li-bi mà còn đe dọa nghiêm trọng lộ trình chuyển tiếp chính trị với 4 nội dung: triển khai nghị trình của Quốc hội mới, thành lập chính phủ, soạn thảo hiến pháp và thúc đẩy đối thoại dân tộc. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của tấn thảm kịch mà Li-bi sẽ phải đối mặt trong nhiều năm tới. Tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là khi các lực lượng thánh chiến và Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy mạnh mẽ tại hàng loạt quốc gia trong khu vực.

Vì vậy, giải pháp duy nhất mà chỉ có người Li-bi mới có thể giải quyết được, đó là thúc đẩy đối thoại dân tộc, phân chia lợi ích công bằng giữa các bộ tộc, tiến tới giải giáp hoàn toàn các nhóm vũ trang và cô lập các lực lượng thánh chiến cực đoan.
Phước Sang

Bình luận

ZALO