Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Nguy cơ khủng hoảng di cư tại châu Âu

Biên phòng - Trong các cuộc khủng hoảng đan xen phủ bóng đen khắp Liên minh châu Âu (EU), làn sóng người di cư ngày càng tăng đạt “đỉnh” có thể khiến khối này đối diện với một cuộc khủng hoảng di cư.

Cảnh sát Serbia áp giải nhóm hàng trăm người di cư lưu trú trong các lều tạm ở khu vực biên giới tiếp giáp Hungary vào đầu tháng 10/2022. Ảnh: Bộ Nội vụ Serbia

Trong công bố mới đây của Cơ quan Biên phòng EU (Frontex), châu Âu đang đối mặt với làn sóng di cư tăng rất cao, thậm chí đạt “đỉnh”. Thống kê được Frontex vừa công bố cho thấy, từ đầu năm đến tháng 7/2022, hơn 155.000 người đã nhập cư trái phép vào châu Âu, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Frontex, dọc tuyến đường khu vực Balkan vào châu Âu hiện là con đường phổ biến nhất của người nhập cư bất hợp pháp. Chỉ tính riêng tháng 7, khoảng 15.000 người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt tại tuyến đường này. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, số người tìm cách đến Địa Trung Hải đã tăng đột biến chưa từng có, với hơn 42.500 người, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá của giới quan sát khu vực, tình trạng gia tăng mạnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp hiện nay là rất đáng báo động, thậm chí đang tạo ra những liên tưởng đến cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất lịch sử ở EU diễn ra vào năm 2016 do cuộc nội chiến ở Syria.

Lý giải về sự gia tăng làn sóng nhập cư bất hợp pháp, giới chuyên gia chính trị châu Âu cho rằng, căn nguyên dẫn tới tình trạng này là do khủng hoảng kinh tế được gây ra bởi đại dịch Covid-19, cộng hưởng với các diễn biến leo thang xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các khu vực liên quan với EU. Cùng với đó là bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, thất nghiệp, biến đổi khí hậu… càng thúc đẩy nhu cầu rời bỏ quê hương của hàng vạn người.

Phần lớn lượng người di cư bất hợp pháp di chuyển dọc theo tuyến đường Balkan đến từ Syria và Afghanistan, nơi chiến tranh đã tàn phá xuyên suốt nhiều năm qua. Cùng với đó, châu Á và châu Phi đang lan rộng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các vấn đề kinh tế khiến hàng nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình để tị nạn.

Cùng chung lý giải này, theo Ủy viên Nội bộ EU Ilva Johnson, thực trạng nhiều quốc gia châu Âu đang bị bất ổn an ninh quốc tế phủ bóng đen. Dễ thấy, cuộc khủng hoảng lương thực và giá năng lượng tăng cao, lạm phát… đang khiến cuộc sống người dân bất ổn. Cùng với đó, khủng bố và tội phạm có tổ chức đang nổi lên khiến bầu không khí chung là cảm giác bất an, buộc phải tị nạn vì cuộc sống không còn an toàn.

Giới chuyên gia an ninh quốc tế nhận định, số liệu do Frontex tuy ở mức báo động, song, các con số này chưa phản ánh đúng mức sự nghiêm trọng của tình trạng người nhập cư. Bởi, đây chỉ là con số thống kê cơ bản lượng người nhập cư bất hợp pháp, trong khi thực tế còn có những dòng người tị nạn được các quốc gia EU chấp nhận. Điều này càng minh chứng cho thấy lượng người di cư hợp pháp và bất hợp pháp là rất lớn, đè nặng thêm khủng hoảng ở châu Âu.

Điều đáng nói, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về vấn đề nhập cư cùng chung khẳng định, dòng người di cư vào các nước EU sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, trong khi người di cư từ khắp nơi trên thế giới tìm đủ đường để đến châu Âu thì người châu Âu lại đang “chật vật” với các cuộc khủng hoảng đan xen và đối diện với một mùa đông đầy khắc nghiệt tới đây do giá năng lượng tăng cao, cũng như bất cập về phân bổ năng lượng.

Thực tế đang cho thấy, dù đời sống châu Âu đang ngày càng suy giảm, song, dòng người di cư tìm đến nơi đây vẫn tăng mạnh. Giới quan sát nhận định, có thể người di cư không nhận biết được về những gì đang diễn ra ở châu Âu hoặc cuộc sống ở quốc gia của họ vẫn tồi tệ hơn châu Âu. Trên hết, việc châu Âu phải chứng kiến lượng người nhập cư ngày càng gia tăng hiện nay chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều tác động bất ổn trong đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia này, từ đó, khủng hoảng sẽ thêm nhiều phần trầm trọng và trở thành bài toán ngày càng khó tìm lời giải thỏa đáng.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO