Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 04:01 GMT+7

Nguy cơ khó lường từ việc đăng ảnh con lên mạng xã hội

Biên phòng - Nhiều vị phụ huynh thường đăng ảnh khoe con lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… mà không biết rằng đang có nhiều nguy cơ khó lường rình rập, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đứa trẻ.

526ve9uxcb-8937_f_jq4trqv11_mang_fb
Có nhiều nguy cơ khó lường từ việc đăng ảnh con lên mạng xã hội. Ảnh: Minh họa

Theo Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ 1-6-2017, việc cha mẹ đăng ảnh con lên mạng xã hội cũng có thể vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 21 Luật Trẻ em 2016: Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. 

Việc công bố thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi thì việc này còn phải được sự đồng ý của chính các em. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng còn phải bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em (Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, những thông tin quá chi tiết của trẻ nếu đăng tải lên mạng xã hội, rất có thể vô tình khiến các con gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người… vẫn đang âm thầm theo dõi trên mạng. Trong khi đó nhiều trẻ không muốn công khai những hình ảnh, thông tin lên mạng xã hội. Luật Trẻ em 2016 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Bản thân đứa trẻ chưa nhận thức rõ tác hại khi người lớn đưa hình ảnh của chúng lên mạng. Do vậy, pháp luật phải bảo vệ trẻ cho đến khi trưởng thành, có khả năng tự bảo vệ, quyết định quyền nhân thân của trẻ. Vấn đề này, bản thân nhiều cha mẹ cũng chưa ý thức hết được hệ lụy. Có thể nói hầu hết việc đưa ảnh con cái lên mạng không gây hậu quả và càng hiếm khi gây hậu quả ngay lập tức nên mọi người đều chủ quan. Nhưng khi xảy ra thì quá muộn, phụ huynh rất khó kiểm soát sự an toàn của trẻ. Chỉ lúc có vụ việc chấn động liên quan việc đưa ảnh con cái lên mạng, người lớn mới ý thức hơn, xác định được tính chất nguy hiểm mà họ đã làm cho con mình.

Qua các thông tin trên mạng, tội phạm có thể hình dung toàn cảnh về đứa trẻ, học trường nào, bố mẹ là ai, gia đình ở đâu, điều kiện kinh tế thế nào, bố đang đi công tác hay ở nhà, từ đó thực hiện hành vi phạm tội như tống tiền, bắt trẻ bán ra nước ngoài...

Hiện nay, đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với mình bằng cách gọi điện đến tổng đài quốc gia về trẻ em 18001567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vận hành. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động, theo Nghị định 56 quy định.

Thúy An

Bình luận

ZALO