Biên phòng - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu trong các tháng tiếp theo của nửa đầu năm 2019 với xác xuất 60-70%. Thực tế, hiện một số địa phương của khu vực Tây Nguyên đã thiếu nước nghiêm trọng và dự báo khô hạn nhiều khả năng diễn ra khốc liệt. Trong khi đó, tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến sớm hơn trung bình nhiều năm 2 tháng.

70% diện tích đất nông nghiệp ở Tây Nguyên thiếu nước
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 8-2019 trên toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ 0,5-10C, riêng tháng 3, khu vực Bắc bộ có khả năng cao hơn TBNN từ 1-20C.
Về lượng mưa, điều đáng lưu ý là ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, tổng lượng mưa từ cuối tháng 2 đến tháng 5-2019 thấp hơn TBNN. Lượng dòng chảy sông ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-35%; khu vực Nam Trung bộ thấp hơn từ 30-60% so với TBNN.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ tháng 3 đến tháng 5-2019, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực Trung, Nam Trung bộ. Mùa khô năm 2018-2019 được dự báo sẽ diễn ra khô hạn khá nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là tại lưu vực sông Ba, qua tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Thực tế, ở khu vực Tây Nguyên, lượng mưa năm 2018 chỉ đạt khoảng 60-70% so với TBNN và mùa mưa lại kết thúc sớm. Đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2019. Mực nước sông Krông Nô hạ thấp kỷ lục so với nhiều năm. Đến thời điểm cuối năm 2018 đã xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở lưu vực sông Ba. Và hiện nay, một số hồ thủy lợi có nhiệm vụ điều tiết nước tưới cho vùng hạ du xuống thấp hơn so với mọi năm. Đây là những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ thiếu nước trong mùa khô năm nay sẽ kéo dài.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia điều tiết nước cho hạ du hiện có dung tích trữ thấp hơn mọi năm rất nhiều. Trên lưu vực sông Ba (chảy qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên) có các hồ thủy điện An Khê, Ka Nak, Ba Hạ, Krông H’năngvà sông Hinh, bổ sung nước tưới cho vùng hạ du. Hiện, nước tại hồ Ka Nak xuống mức thấp kỷ lục, dung tích hữu ích chỉ đạt 12% dung tích thiết kế. Dự báo, nếu không có mưa, trong 3 tháng nữa có thể hồ thủy điện Ka Nak sẽ cạn kiệt, không còn nước để cung cấp phục vụ sản xuất cho vùng hạ du. Hồ An Khê dung tích hiện chỉ đạt 30% dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm (2015-2018) từ 20-80%. Hồ Ba Hạ đạt 67% dung tích thiết kế, thấp hơn năm 2018 và 2017 từ 1-8%.
Theo thông tin từ Tổng cục Thủy lợi, dung tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi trong tháng 2-2019 của toàn vùng Tây Nguyên đạt 69-79% dung tích thiết kế, bảo đảm cung cấp cho các diện tích thuộc vùng phụ trách tưới (khoảng 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp). Điều đáng lo ngại là diện tích cây trồng ngoài khu vực công trình thủy lợi, chủ yếu lấy nước từ ao hồ, sông, suối và nước ngầm chiếm tới gần 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Với nguồn nước hiện tại và thông tin dự báo mưa ít trong tháng 3 và tháng 4-2019, số diện tích cây trồng cuối vụ Đông Xuân này có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới cũng sẽ xảy ra ở khu vực Đông Nam bộ, tại các vùng sản xuất nông nghiệp nằm ngoài công trình thủy lợi hoặc có công trình thủy lợi nhỏ.
Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo, các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên cần tính toán, thống kê nguồn nước ở các công trình thủy lợi, các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp. Đối với những vùng thường xuyên thiếu nước, cần tuyên truyền để người dân không gieo trồng hoặc trồng những cây chịu hạn tốt. Các địa phương cũng cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình nguồn nước.
Xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn 2 tháng
Về tình hình xâm nhập mặn, mùa khô năm 2018-2019, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là nơi bị xâm nhập mặn sớm, đỉnh mặn xảy ra sớm hơn mọi năm 2 tháng, độ xâm nhập mặn ở các cửa sông với đỉnh mặn cao hơn TBNN cùng kỳ từ 5-10km. Trong tháng 2-2019, rãnh mặn xâm nhập sâu nhất vào ngày 18 đến 21-2 với phạm vi ảnh hưởng từ 32 đến 49km (sông Cửu Long 32-35km; sông Vàm Cỏ Đông 49km; sông Vàm Cỏ Tây 48km). So sánh với cùng kỳ năm 2018 cao hơn từ 1-10km. Tại tỉnh Sóc Trăng, xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Long Phú và Trần Đề.
Theo ghi nhận của Tổng cục Thủy lợi, năm nay, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ ở mức TBNN và cao hơn năm 2017-2018. Dự báo, độ mặn cao nhất trên các sông ở Nam bộ xuất hiện vào tháng 3-2019, riêng hệ thống sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau-Kiên Giang độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 5-2019. Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương vùng đồng bằng Nam bộ cần chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, lưu ý bố trí thời điểm xuống giống lúa phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.
Xuân Hương