Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 11:33 GMT+7

Nguy cơ hiện hữu

Biên phòng - 1.200 hồ chứa nước bị hư hỏng và thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du, cần đặc biệt quan tâm và xử lý cấp bách. 

Con số trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mới đây, khiến dư luận cả nước không khỏi băn khoăn về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, trước tình hình thiên tai diễn biến bất thường, đặc biệt là các đợt mưa, lũ lớn xảy ra gần đây. Điển hình như ở Thanh Hóa có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ mất an toàn; Hà Tĩnh có 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình có 192 hồ chứa hư hỏng xuống cấp...

Kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó có 401 đập, hồ chứa thủy điện; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi.

Tuy nhiên, nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30-50 năm, thiết kế cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nên thiếu năng lực chống lũ trước tần suất lượng mưa, dòng chảy lớn. Nhiều công trình không có quy trình vận hành, không có trang thiết bị quan trắc, giám sát, nên chưa phát hiện được ẩn họa, hư hỏng trong thân đập.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra thường xuyên, tính đến hết năm 2019, cả nước đã phát hiện 66.266 vụ vi phạm. Nhưng kết quả xử lý các vi phạm còn hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến công tác vận hành, chất lượng nước và an toàn công trình công trình.

Cùng với những lo ngại trên, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm đang trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Nước sông nhiều nơi bị ô nhiễm với mức độ cao do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và trên 90% nước thải chưa xử lý của các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề... đang tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Nhiều chuyên gia khẳng định, nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai.

Dự báo, nhu cầu sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030. Căng thẳng về nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm như Bắc bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ.

Mặc dù, Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3 nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ.

Chính vì vậy, chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước, nhất là việc kiểm soát tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy... Chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sửa đổi, bổ sung các quy định về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập cho phù hợp với điều kiện thực tế, để có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần khắc phục ngay sự chồng chéo và lúng túng giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong quá trình điều hành, vận hành và quản lý hồ, đập, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều...

Mặt khác, an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chỉ có thể bảo đảm khi Việt Nam và các nước trong khu vực cam kết thực thi đầy đủ các văn bản pháp lý, thỏa thuận hợp tác trong bảo vệ các lưu vực sông, điều hòa, chia sẻ nguồn nước, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người gây hủy hoại môi trường tự nhiên.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO